Có mặt tại cánh đồng lúa xã Triệu Đông (huyện Triệu Phong), chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cày đang hoạt động hết công suất để giúp bà con nông dân cày lật, phơi đất trước khi bước vào gieo cấy. Trao đổi với chúng tôi, lão nông Trần Hữu Thái ở tại thôn Bích La Trung cho biết: Gia đình ông có hơn 8 sào đất trồng lúa, với kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng, ông luôn coi trọng việc cày lật, phơi đất trước khi bước vào vụ. Năm nay thời tiết ít mưa, đồng ruộng không bị ngập nước nên thời gian cày rất nhanh, chỉ mất chưa đầy 20 phút là máy đã cày xong một sào ruộng. Theo ông Thái, 1 sào ruộng cày lật bằng máy cày bệ, chủ máy cày lấy tiền công từ 140.000 – 160.000 đồng. Mặc dù có tốn kém thêm đôi chút nhưng nó giúp vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét…, tiêu diệt các loại mầm bệnh có trong đất, giúp đất tơi xốp, nhờ đó cây lúa sinh trưởng tốt hơn, ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao hơn. “Đất ruộng sau khi được cày lật xong sẽ được phơi cho đến khi chuẩn bị bước vào gieo cấy thì cho nước vào ruộng và dùng máy cày lắp bánh lồng bằng sắt đánh đều đất trở lại, trang phẳng rồi xuống giống”, ông Thái cho hay.

-         Sử dụng máy cày cỡ lớn để cày lật, cày vùi gốc rạ, cỏ dại

Chủ tịch UBND xã Triệu Đông – ông Võ Văn Bắc cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, toàn xã Triệu Đông dự kiến xuống giống khoảng 315 ha lúa, trong đó khoảng 95% diện tích là lúa chất lượng cao. Chính vì vậy chính quyền địa phương cũng như bà con nông dân luôn coi trọng việc cày ải sau vụ Đông Xuân và cày lật đất bằng máy cày bệ sau vụ Hè Thu. Ông Bắc cho biết thêm: Theo kinh nghiệm của người nông dân, việc cày lật đất càng sớm là điều kiện phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh gây hại. Chậm triển khai và kéo dài thời gian cày lật đất thì các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh mới, gia tăng mật độ, di chuyển lên các vùng cao, sau đó trở lại các cánh đồng gây hại lúa khi điều kiện thuận lợi. Nếu cày lật đất chậm có nguy cơ tạo ra các khí độc gây hại lúa do các gốc rạ, cỏ dại, tàn dư thực vật trên đồng ruộng phân hủy chưa triệt để. “Cũng nhờ làm tốt biện pháp kỹ thuật này mà nhiều năm qua, xã Triệu Đông luôn nằm trong tốp đầu về năng suất của huyện Triệu Phong. Vụ Hè Thu vừa qua, năng suất lúa của xã đạt tới 61 tạ/ha. Để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sắp tới, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân trước mắt tập trung cày lật toàn bộ những vùng không bị ngập nước để vùi lúa chét, cỏ dại, các đối tượng dịch hại dưới lớp đất sâu, nhằm hạn chế sâu bệnh tồn tại phát triển. Đồng thời tổ chức các đợt ra quân diệt chuột trong toàn địa bàn. Tất cả để đảm bảo cho một vụ Đông Xuân thuận lợi”, ông Bắc chia sẻ.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2018 – 2019, huyện Triệu Phong dự kiến gieo trồng khoảng 9.783 ha cây trồng các loại. Trong đó, xuống giống khoảng 5.700 – 5.800 ha lúa, với cơ cấu các giống lúa sản lượng cao khoảng 20%, giống lúa chất lượng cao trên 80%; ngô, sắn, lạc khoảng 1.450 ha; rau, khoai, đậu, ớt các loại khoảng 2.270 ha… Ông Hoàng Quang Dưỡng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Triệu Phong cho biết: Đối với vụ Đông Xuân 2018 – 2019 sắp tới, hiện nay Phòng Nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật đảm bảo yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng năng suất, chất lượng, phấn đấu đạt năng suất lúa trên 54 tạ/ha. Cùng với các địa phương phát động ra quân đồng loạt tiến hành cày vùi gốc rạ, cỏ dại, ngâm nước trên trên toàn bộ diện tích. Duy trì phong trào diệt chuột ngay từ đầu vụ. Về cơ cấu giống, thực hiện chuyển đổi theo hướng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao trên 80% tổng diện tích. Cơ cấu bộ giống chủ lực của huyện là Thiên ưu 8, HT1, Khang dân; tùy theo thổ nhưỡng và khả năng thích ứng của từng địa phương để cơ cấu giống chủ lực từ 2 – 3 giống; tăng diện tích lúa ngắn ngày và cực ngắn, bỏ hẳn giống lúa dài ngày. Bố trí các giống thay thế đã qua khảo nghiệm như DT45, HDT8, TL6, LDA1, TBR225, TBR279...; hạn chế và giảm dần các giống dễ nhiễm bệnh như P6, HC95. Tiếp tục khảo nghiệm các giống mới như N26, HG16, ĐA1, Hương thơm Kinh Bắc, Khang dân cải tiến, P15… nhằm bổ sung cho bộ giống chủ lực của huyện. Khuyến khích bà con nông dân thực hiện công tác xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ đảm bảo phòng trừ các bệnh trên cây lúa như von cuối vụ, lùn sọc đen gây hại. Về lịch thời vụ, yêu cầu các địa phương bám sát lịch thời vụ của tỉnh và huyện để bố trí điều chỉnh lúa trỗ tập trung trong khung an toàn nhất; không được tùy tiện bố trí gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng do sâu bệnh và thiệt hại do rét. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông cùng với chính quyền địa phương và bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo chính xác diễn biến của các loại sâu bệnh hại để tổ chức chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ hiệu quả.

Còn tại huyện Hải Lăng, một trong những huyện trọng điểm lúa của tỉnh, vụ Đông Xuân 2018 – 2019, toàn huyện dự kiến sẽ đưa vào gieo cấy hơn 6.850 ha lúa với cơ cấu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như Khang dân, Thiên ưu 8, NA2, ADI 168, Bắc Hương 9, Lộc Trời 1, Ma Lâm 48, HT1, HN6, RVT, Bồ đề 688X2... Để quản lý tốt sâu bệnh, thuận tiện trong việc điều hành làm đất, tưới tiêu, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, có thể tổ chức gieo thành 2 – 3 trà để rải vụ nhưng thời gian mỗi trà phải tập trung nhanh gọn. Tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa dưới nhiều hình thức, trong đó chú trọng hình thức thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ đứng ra thuê đất mở rộng quy mô và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng một giống, vùng sản xuất tập trung theo đề án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới các xã; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tiếp tục tìm kiếm đưa vào thử nghiệm một số giống mới có triển vọng; tổ chức sản xuất giống lúa đặc sản, lúa hữu cơ tập trung theo hướng liên kết tiêu thụ, tạo sản phẩm hàng hoá.

Ông Lê Đình Lễ - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hải Lăng cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là đến thời điểm này các hồ đập chứa nước trên địa bàn huyện chỉ mới đạt dung tích 50 – 60% so với mực nước chuẩn hàng năm, cá biệt có một số hồ chỉ đạt dung tích khoảng 30 – 40%. Nguy cơ thiếu nước cho sản xuất là hiện hữu. Tình trạng này không những làm cho cây lúa trong vụ Đông Xuân sắp tới bị ảnh hưởng mà có thể các loại cây màu vụ Thu Đông cũng khó đạt được năng suất theo đúng định mức thời vụ. “Để chủ động cho vụ sản xuất Đông Xuân sắp đến, đối với các hồ đập chứa nước, huyện đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, nạo vét lại hệ thống cống để chủ động trong việc tích nước; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nạo vét các kênh mương nội đồng, xây dựng phương án điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo dẫn nước kịp thời, tránh thất thoát nước. Đối với các xã vùng trũng cần tận dụng các ao hồ để chủ động nguồn nước cho sản xuất; tổ chức kiểm tra để có biện pháp xử lý mầm bệnh, tổ chức ra quân diệt chuột. Quyết tâm không để ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân”, ông Lễ cho hay.

Ông Trần Thanh Hiền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thông tin, để chủ động cho việc sản xuất vụ Đông Xuân, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành lịch thời vụ, trong đó tập trung cơ cấu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, những giống đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo phù hợp và có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả kinh tế cao như HN6, Thiên ưu 8, HT1, LDA1, PC6, RVT, Bắc thơm 7, Khang Dân 18, TBR 279…; mở rộng diện tích các giống đã khảo nghiệm có triển vọng trên địa bàn tỉnh như: Bắc ThịnhTL6, DT45, N25, GL105, TBR225, Sơn Lâm 1, Đông A1, Lộc Trời 1, Bắc Hương 9; hạn chế sử dụng giống HC95 do nhiễm nặng sâu bệnh (nếu có chỉ đưa vào tối đa 20% tỷ lệ cơ cấu giống của mỗi địa phương). Chỉ được sử dụng các giống lúa có nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn phẩm cấp từ cấp xác nhận trở lên, không sử dụng thóc thịt làm giống. Mỗi đơn vị chỉ nên bố trí từ 3 - 4 loại giống lúa phù hợp trong bộ giống lúa chủ lực của tỉnh để tập trung thâm canh. Về khung lịch thời vụ, cần bố trí thời vụ xuống giống gieo thẳng tập trung trong khoảng từ 05 – 20/1/2019, tạo điều kiện cho lúa trỗ tập trung từ 05 - 15/4/2019. Đồng thời, có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí, hạn chế phát sinh các lứa sâu, bệnh gối nhau, đảm bảo lúa trỗ trong khung gọn nhất, vừa tránh được rét trong vụ Đông Xuân, đồng thời thu hoạch nhanh, gọn để chủ động triển khai sản xuất Hè Thu 2019 bảo đảm thời vụ. 

Ông Hiền cho biết thêm: Do tình hình khô hạn nên để tận dụng ẩm độ đất ngay từ đầu vụ cũng như tiết kiệm nước vào cuối vụ, đề nghị các địa phương chỉ đạo bà con nông dân cũng trong khung thời vụ đó nhưng cần đẩy nhanh về phía trước chứ không nên rải về sau. Về bộ giống nên ưu tiên các giống ngắn ngày và cực ngắn có năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời thực hiện công tác chăm sóc, bón phân đúng thời điểm để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, mực nước hiện nay ở các hồ chứa của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang ở mức 30 - 35% so với dung tích thiết kế, do đó tình trạng thiếu nước và khô hạn khả năng cao sẽ xảy ra từ giữa đến cuối vụ Đông Xuân và trong vụ Hè Thu 2019. Do vậy, người dân cần chủ động theo dõi tình hình mưa lũ để điều tiết nguồn nước ở các hồ chứa, sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm. Các địa phương và bà con nông dân cần be bờ, giữ nước trên ruộng sau các trận mưa lớn, tổ chức nạo vét kênh mương thủy lợi, các hồ chứa nhỏ nhằm tạo nguồn nước phục vụ chống hạn, trước mắt là phục vụ gieo cấy Đông Xuân sắp đến. Thực hiện tốt việc tưới nước luân phiên, tưới theo phương pháp ướt khô xen kẽ để tiết kiệm nước; với những diện tích ruộng không có khả năng tưới thì nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như đậu xanh, lạc... “Nhiệm vụ trước mắt đó là cần tập trung cày lật toàn bộ những vùng không bị ngập nước để vùi gốc rạ, lúa chét, cỏ dại, các đối tượng dịch hại dưới lớp đất sâu nhằm hạn chế sâu bệnh tồn tại phát triển, ngăn chặn chúng xuất hiện gây hại ở vụ tới. Đối với bệnh lùn sọc đen, việc cày lật, cày vùi giúp tiêu diệt ký chủ phụ của bệnh là cỏ dại, lúa chét; đồng thời hạn chế sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển của rầy nâu, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen và cũng là tác nhân trực tiếp phá hoại lúa. Đặc biệt, đối với năm nay, đến thời điểm này do mưa ít, không có lũ lụt xảy ra nên dự báo chuột có thể phát triển nhanh và gây hại diện rộng. Vì vậy các địa phương và bà con nông dân cần tổ chức các đợt ra quân diệt chuột bằng các biện pháp như bẫy, đào bắt, sử dụng thuốc sinh học và hóa học ngay từ thời điểm này”, ông Hiền nhấn mạnh.

Thục Quyên