Trước những khó khăn trên, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đã chủ động chuyển đổi mốt số diện tích đất trồng khoai mỳ luân canh sang trồng các loại cây trồng cạn ngắn ngày như bắp (ngô), khoai lang… và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Lê Hoài Thanh, trú ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu, đã tiến hành chuyển đổi trồng khoai lang tại xã Tân Hiệp với tổng diện tích lên đến 60 ha.

Hiện nay, sau thời gian 5 tháng kể từ ngày xuống giống, ông Thanh đã tiến hành thu hoạch phần diện tích trên 20 ha, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế thu được rất cao. Năng suất khoai lang bình quân 25 tấn/ha, với giá thương lái thu mua tại ruộng là 10.000 - 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng, ông còn thu được lợi nhuận trên 180 triệu đồng.

Do đây mới là vụ đầu sản xuất cây khoai lang nên ông Thanh cũng gặp không ít khó khăn về mặt kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất, nhưng với một người dám nghĩ, dám làm, ông Thanh đã mạnh dạn chuyển đổi và lựa chọn cây trồng phù hợp, bước đầu đã thành công, cây khoai lang “trúng mùa lại được giá”.

Cây khoai lang rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chỉ sau 5 tháng trồng đã cho thu hoạch

Ông Thanh cho biết thêm, cây khoai lang rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau 5 tháng trồng đã cho thu hoạch. Đồng thời cây khoai lang có khả năng thích nghi rộng, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, do vậy, nếu phát triển trồng khoai lang trên vùng đất Tân Châu có thể xem là một hướng đi mới, rất phù hợp để người dân thực hiện. Hơn thế nữa, trước thực trạng cây khoai mỳ trên địa bàn đang bị bệnh khảm lá như hiện nay, nông dân cần nghiên cứu lựa chọn một số cây trồng luân canh, cụ thể như gia đình ông đã chọn cây khoai lang để trồng luân canh với cây khoai mỳ, nhằm hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất trồng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.

Thế Minh

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh