Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) vừa là đầu mối cung cấp, vừa là thị trường tiêu thụ hoa kiểng lớn nhất nước với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng và đã có các vùng cung ứng hoa kiểng đáp ứng nhu cầu thị trường Thành phố như các quận, huyện: Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi và quận 12. Trong đó, quận 12 là “cái nôi” của nghề trồng hoa Tết. Với sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây, họ đã thuê lại các khu đất quy hoạch hay dự án xây dựng chưa được triển khai ở địa phương để trồng hoa, nhằm duy trì nghề truyền thống và tăng thêm thu nhập mỗi dịp Tết đến Xuân về. 

Nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như đáp ứng nguyện vọng của người dân, Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM đã mạnh dạn đầu tư mô hình trình diễn “Trồng hoa Cát tường” với quy mô 16.000 chậu/4.000 m2 cho 06 hộ ở 02 phường Thới An và An Phú Đông của quận 12.

Mô hình được triển khai từ tháng 9/2018 - 01/2019. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Thành phố đã tổ chức tổng kết mô hình, nhằm ghi nhận ý kiến của nông dân và khai thác thêm nhu cầu thực tế của người trồng hoa quận 12 để kịp thời hỗ trợ, triển khai ngày càng sâu sát hơn, giúp bà con có thể duy trì nghề, tiếp tục nhân rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường của một nền nông nghiệp đô thị.

Mô hình được áp dụng quy trình kỹ thuật trồng hoa Cát tường giống Eustoma grandiflorum - giống hoa kép sản xuất tại Đà Lạt, với các màu trắng viền tím, hồng nhạt,…). Cây được trồng trong chậu có đường kính 25 cm, chiều cao từ 5 - 7cm, có 5 - 6 lá/cây. Quá trình chăm sóc, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân phun NPK (30 - 10 - 10) 01 lần/tuần ở giai đoạn sinh trưởng (8 tuần đầu), đồng thời kết hợp tưới phun sương 2 - 3 lần/ngày. Đến giai đoạn trưởng thành (từ tuần thứ 9 trở đi), phun NPK (20 - 20 - 20) 01 lần/tuần. Cuối giai đoạn trưởng thành phun NPK (10 - 30 - 30) 01- 02 lần, mỗi lần cách nhau 01 tuần để tăng chất lượng và số hoa trên cây. Ngoài ra còn bổ sung dinh dưỡng, bón phân hữu cơ cho cây 01 lần/tháng, kết hợp tưới phun sương 01 lần/ngày.      

Qua hơn 04 tháng triển khai, mô hình đạt hiệu quả cao: tỷ lệ cây sống trên 90%, tỷ lệ ra hoa đạt 90% tổng số cây. Đây là giống mới, được áp dụng công nghệ tiên tiến nên sau trồng 03 tháng, số hoa bình quân đạt 10 - 15 hoa/chậu, đường kính hoa từ 4 - 5 cm, chiều cao cây đạt khoảng 35 - 45 cm, hoa có màu sắc sáng, đẹp. Qua đó cho thấy hoa Cát tường sinh trưởng tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở quận 12.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn (354 Lê Văn Thọ, khu phố 4, phường Thới An, quận 12) cho biết: “Là hộ có thâm niên trồng hoa nền dịp Tết, khi tham gia mô hình tôi thấy chất lượng giống hoa Cát tường do Khuyến nông hỗ trợ rất tốt, giá cả hợp lý, màu sắc hoa tươi sáng nên sản phẩm được giá cao hơn mọi năm (giá hoa tại vườn 50.000 đồng/chậu). Tuy nhiên chủng loại màu chưa đa dạng, Khuyến nông nên cung cấp hoa giống với màu sắc đa dạng hơn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Tôi mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ của Khuyến nông và có thêm nhiều mô hình về trồng hoa cấy mô, kiểng lá…, giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất hoa. Tuy nông dân ở đây không có đất riêng, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thuê lại các khu đất quy hoạch và những dự án xây dựng chưa được triển khai, để tận dụng trồng hoa, vừa giữ được nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập trong dịp Tết”.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Thành, quận 12, chia sẻ: “Từ ghi nhận của nông dân cũng như kết quả mô hình, tôi thấy hoa Cát tường rất phù hợp với vùng đất có truyền thống trồng hoa của Quận 12. Năm sau đề nghị Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ mô hình và tôi sẽ đăng ký cho nông dân của phường tham gia. Bởi nông dân trồng hoa của phường Hiệp Thành có đất riêng để trồng, không phải đi thuê, đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân có thêm thu nhập và niềm vui trong những ngày Tết”.

Đánh giá tổng kết mô hình, ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM phát biểu: “Quận 12 có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng là quận có nghề truyền thống trồng hoa- rau - cây kiểng nên khi Khuyến nông hỗ trợ mô hình, người dân dễ dàng tiếp nhận và thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập và thực hiện đúng chủ trương phát triển hoa - cây kiểng - nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố. Nhưng mong muốn của Khuyến nông với nông dân trồng hoa ở quận 12 không dừng ở đó, mà sẽ là “cầu nối’ giúp nông dân có thể ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm để sản xuất, phát triển ngành nghề cao hơn so với những mô hình đơn lẻ của nông dân hiện nay. Do đó, đề nghị Trạm Khuyến nông quận 12 nên có kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến sản xuất hoa ở địa phương, mời các đơn vị doanh nghiệp, nông dân tham gia, giao lưu, trao đổi, tìm hướng đi mới cho nông dân ở đây, không chỉ sản xuất hoa nền vào mỗi dịp Tết mà phải sản xuất quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố, từ đó tiến xa hơn là có thể xây dựng những vùng hoa thương hiệu riêng, tạo công việc ổn định cho người dân của nền nông nghiệp đô thị và đưa nghề trồng hoa - cây kiểng phát triển và trở thành mũi nhọn về kinh tế nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh”.

Minh Hiếu

TT Khuyến nông TP.HCM