Tham dự buổi lễ có đại diện các cơ quan, đơn vị: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cùng 180 nông dân thuộc 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi Lễ


Phát biểu phát động buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, sản xuất lúa tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc, không những đảm bảo nhu cầu lương thực mà còn đóng góp cho xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa, hoặc là phải nâng cao năng suất lúa, hoặc là hạ giá thành sản xuất. Hiện năng suất lúa vùng ĐBSCL đã đạt rất cao, bình quân đạt 6 tấn/ha, coi như đã “kịch trần”. Vì vậy, chỉ còn cách áp dụng cơ giới hóa để giảm giá thành, trong đó cơ giới hóa khâu gieo cấy là rất quan trọng nhưng chúng ta lại chưa làm được.

Gieo cấy bằng máy nông dân chỉ tốn 40-50 kg lúa giống/ha, thay vì sử dụng 150-200 kg như hiện nay. Sử dụng giống ít, nông dân có điều kiện mua giống tốt phục vụ cho sản xuất. Ruộng lúa thưa, thông thoáng, cây lúa phát triển tối ưu, giảm sâu bệnh, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, lượng nước tiêu tốn cho sản xuất cũng ít hơn. Quan trọng nhất là chất lượng hạt gạo được nâng lên và giá bán tốt hơn. Mặc dù những lợi ích của việc gieo cấy bằng máy là rất rõ ràng, song tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu này còn rất thấp, nhất là việc sử dụng máy cấy trong canh tác lúa.

Số lượng máy cấy ở ĐBSCL mới chỉ đáp ứng 1% diện tích lúa gieo trồng


Năm 2019, ở ĐBSCL có khoảng 370 máy cấy, tỉnh nhiều nhất là Sóc Trăng có 100 máy, kế đến là tỉnh Đồng Tháp có 80 máy và Long An có 78 máy cấy. Với tổng số máy cấy đã được đầu tư hiện nay ở các địa phương, nếu khai thác hết công suất thì mới chỉ đáp ứng được khoảng 1% diện tích lúa gieo trồng, do đó nhu cầu về cấy lúa bằng máy còn rất cao. Vì vậy, rất cần thiết phát động chương trình ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy trong toàn vùng nhằm mở rộng nhanh diện tích sản xuất lúa được gieo sạ bằng máy phun hạt, máy gieo hạt, gieo khóm, máy cấy để giảm mạnh lượng giống sử dụng, đảm bảo được mật độ đồng ruộng tối ưu, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất đạt cao hơn. 

Tại buổi Lễ, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy - một trong những khâu tốn nhiều công lao động và nặng nhọc nhất, là khâu quan trọng quyết định đến sự phát triển, năng suất của cây lúa. Vì vậy để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại các tỉnh ĐBSCL. Để buổi lễ phát động tạo thành một phong trào rộng khắp, cần sự chung tay hưởng ứng của tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể bà con nông dân. Bắt đầu từ Lễ phát động này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã xây dựng kế hoạch hành động với các nội dung hoạt động cụ thể như sau:

(1) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, ấn phẩm, tài liệu khuyến nông, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...;

(2) Đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật thâm canh đối với lúa cấy máy đến người sản xuất;

(3) Tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông về cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa;

(4) Hỗ trợ và khuyến khích hình thành các tổ sản xuất, dịch vụ ứng dụng cơ giới hóa gieo cấy lúa.

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, TTKNQG đã xây dựng kế hoạch hành động để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa


Tại Lễ phát động, đại diện Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết giao ước thực hiện chương trình cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa. Theo đó, phấn đấu trong năm 2020, diện tích canh tác lúa từng tỉnh và trong toàn vùng được cơ giới khâu gieo cấy đạt tỷ lệ 2% trở lên. Đến năm 2030, diện tích canh tác lúa được cơ giới khâu gieo cấy của từng tỉnh và toàn vùng đạt tỷ lệ 30% trở lên.

Trong khuôn khổ buổi Lễ, các đại biểu được tham quan trình diễn vận hành máy gieo, máy cấy trên đồng ruộng.

Tuyết Nhung

Ảnh: Đỗ Tuấn

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:

Bà con nông dân và đại biểu tại điểm trình diễn các máy cơ giới trong khâu gieo, cấy

Trình diễn thiết bị bay để gieo hạt

Đại diện TTKN/TTDVNN13 tỉnh ĐBSCL ký giao ước thực hiện chương trình cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa

 
  “Lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan thông tấn báo chí và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng:

Đài truyền hình Việt Nam

Truyền hình Thông tấn

Báo Nông nghiệp Việt Nam

- Báo Dân Việt

Báo ảnh Dân tộc và miền núi

Báo Hậu Giang