Bám sát sự chỉ đạo này, trong giai đoạn 2017 – 2020, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) ngày càng khẳng định vai trò của mình khi thực hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua nhiều dự án khuyến nông và lồng ghép vào công tác chuyên môn của đơn vị.

Dự án khuyến nông

Trong giai đoạn 2017 - 2020, TTKN đã đề xuất thực hiện nhiều dự án có mục tiêu chính là xây dựng mô hình trình diễn gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm/xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng giá trị gia tăng. Cụ thể:

(1) Dự án "Xây dựng vùng sản xuất rau màu quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016-2020”: Qua 5 năm thực hiện dự án đã xây dựng hơn 200 ha vùng sản xuất rau màu tập trung có sự liên kết sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác hay hợp tác xã với 36,75 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, TTKN đã phát huy vai trò cầu nối khi kết nối nhiều doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của dự án. Năm 2017, Trung tâm đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ giữa Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu và HTX rau củ quả Tân Bình - huyện Bình Tân thực hiện 10 ha vùng sản xuất đậu bắp xanh. Nông dân tham gia dự án được cam kết thu mua với mức giá cố định trong suốt cả mùa vụ (loại 1: 8.500 đồng/kg; loại 2: 4.000 đồng/kg) trong khi giá thu mua ngoài mô hình giao động rất lớn (2.500 - 10.000 đồng/kg). Năm 2019, 10 ha vùng sản xuất đậu nành rau của dự án tại xã Nguyễn Văn Thảnh - huyện Bình Tân được Công ty cổ phần rau thực phẩm An Giang (Antesco) bao tiêu với giá 10.500 đồng/kg, cho tổng thu 105.063.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận bình quân 24.490.000 đồng/ha, cao gấp 4,54 lần so với lúa tạo được sự phấn khởi cho người nông dân.

(2) Dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 - 2020”: Dự án đã xây dựng 3 cơ sở vệ tinh đủ điều kiện nuôi vịt bố mẹ để cung cấp vịt con chuyên trứng thương phẩm 01 ngày tuổi, tạo nguồn vịt giống đạt chất lượng tốt cung cấp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh; Hỗ trợ xây dựng 6 chuỗi mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng với 45 hộ chăn nuôi vịt chuyên trứng tham gia tại các huyện Vũng Liêm, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ, Mang Thít. TTKN đã chủ động liên hệ, trao đổi với các nhóm liên kết và thống nhất ký hợp đồng với 03 cơ sở thu mua trứng (Thanh Danh, Huỳnh Trân, Vạn Phát) cam kết giá mua theo thời điểm nhưng cao hơn so với thị trường 50 -200 đồng/trứng. Như vậy hình thức thu mua tại nhà với giá cao hơn thị trường tối thiểu 50 đồng/trứng và thức ăn được cơ sở vận chuyển tới nhà cho các hộ nuôi với giá thấp hơn giá thị trường 10.000 đồng/bao thì hiệu quả mang lại cho cả dự án (6 chuỗi mô hình) khoảng 812.250.000 đồng/năm so với không có liên kết.

Buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng giữa các doanh nghiệp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long

 

(3) Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019 – 2020”: Năm 2020, TTKN đã phối hợp với các địa phương thành lập 5 tổ hợp tác chăn nuôi gà để thực hiện 5 mô hình liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ chăn nuôi gà thịt thả vườn thương phẩm (20-22 hộ/mô hình). Các Tổ hợp tác được TTKN giới thiệu, hỗ trợ ký kết hợp đồng thỏa thuận với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cung cấp giống, vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc thú y) với giá ưu đãi và hỗ trợ liên kết với Công ty THHH Minh Khôi (xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) thu mua gà thịt với giá theo từng thời điểm nhưng cao hơn giá ngoài thị trường 1.000 đồng/kg và đảm bảo thu mua hết số lượng gà thịt của các hộ tham gia mô hình do TTKN đầu tư. Với lợi nhuận trung bình đạt 3.150.000 đồng/điểm (300 con) thì hiệu quả mang lại của cả dự án đạt 340.200.000 đồng.

Công tác chuyên môn nghiệp vụ

Nhận thức được công tác khuyến nông trong tình hình mới hiện nay không còn đơn thuần là chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương chính sách về nông nghiệp của nhà nước đến với người nông dân mà còn phải thực sự là nhịp cầu nối 4 nhà  Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) cùng với tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, TTKN Vĩnh Long đã tìm ra những hướng đi mới để hỗ trợ người dân.

(1) Thành lập các câu lạc bộ khuyến nông (CLBKN): Với tinh thần tìm tòi học hỏi những mô hình hay, cách làm mới, từ năm 2017 TTKN đã học tập mô hình “Hội quán nông dân” của tỉnh Đồng Tháp và ứng dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện tại Vĩnh Long thông qua việc hỗ trợ thành lập và đưa vào hoạt động mô hình “Câu lạc bộ khuyến nông kiểu mới” (CLBKN).

Qua 3 năm thực hiện (2017-2020) đã có 27 CLBKN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là nền tảng hạt nhân của các mô hình kinh tế hợp tác trong thời gian tới khi nhiều Ban chủ nhiệm các CLBKN đã phát huy vai trò kết nối với các nhà cung cấp giống, vật tư đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm của các thành viên góp phần thực hiện chuỗi sản xuất – tiêu thụ  giúp hoạt động của CLBKN ngày càng đạt hiệu quả và phát triển lên thành các Hợp tác xã Nông nghiệp (CLBKN xã Thuận Thới, CLBKN xã Vĩnh Xuân).

Hoạt động liên kết tiêu thụ hiệu quả của các CLBKN có thể kể đến CLBKN xã Phú Thịnh khi đã và đang thành công với mô hình nuôi ếch thịt gắn kết bao tiêu sản phẩm, sản lượng hàng năm đạt 15 tấn. Mô hình đã được mở rộng sang tổ hợp tác sản xuất xã Phú Lộc, sản lượng hàng năm khoảng 7 tấn và tổ nuôi ếch thịt xã Mỹ Lộc (HTX Tân Tiến) sản lượng đạt 7 tấn/năm. Sản phẩm ếch thịt của các thành viên này được HTX Nhất Tân (TP Cần Thơ) ký hợp đồng bao tiêu với giá cố định 36.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường  5.000 - 10.000 đồng/kg) tùy thời điểm. Với mức giá này người nuôi có lợi nhuận trung bình 10.000 đồng/kg.

(2) Công tác đào tạo huấn luyện nâng cao năng lực (ToT): TTKN đã tổ chức nhiều lớp đào tạo huấn luyện nhằm cập nhật kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên tham gia hoạt động khuyến nông cơ sở, Ban Chủ nhiệm các CLBKN về vai trò của chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển nông nghiệp và những lợi ích chuỗi giá trị mang lại cho các mắt xích tham gia.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng lồng ghép những nội dung về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vào các hoạt động chuyên môn khác như tư vấn khuyến nông, thông tin tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề... nhằm giới thiệu những chủ trương chính sách hỗ trợ của nhà nước trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đến với người dân một cách hiệu quả.

Từ nhận thức về tầm quan trọng và hướng phát triển tất yếu của liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, TTKN Vĩnh Long luôn nỗ lực thực hiện nhằm tạo được hướng chuyển biến tích cực trong định hướng sản xuất cho người nông dân, thay đổi tập quán sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thuận tiện truy xuất nguồn gốc, hướng nông hộ có ý thức trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi ổn định đầu ra an tâm phát triển sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Trương Vĩnh Yên

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long