Mục tiêu của dự án là ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy (gieo mạ bằng máy và khay, cấy lúa bằng máy) vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất lao động trong khâu gieo cấy 50%, giảm chi phí sản xuất (giống, công lao động), khắc phục thời tiết bất thuận khi gieo cấy, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, góp phần đẩy nhanh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc. Đồng thời tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Từ thực tế mô hình sản xuất tại Vĩnh Phúc cho thấy, lúa cấy bằng máy so với lúa cấy tay thông thường ở cả hai vụ Xuân và vụ Mùa đều sinh trưởng phát triển tốt. Các yếu tố cấu thành năng suất như tổng số bông/m2 và tỷ lệ hạt chắc của lúa cấy máy cao hơn so với cấy tay thông thường. Vì vậy năng suất lúa cấy máy ở cả hai vụ đều cao hơn so với cấy tay từ 12,8 – 13,2%.

Về hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng mạ khay, cấy máy giảm được các chi phí như: giảm 43% lượng giống, giảm chi phí cấy 840.000 đồng/ha, giảm chi phí chăm sóc lúa, năng suất lúa cao hơn so với lúa cấy tay thông thường, vì vậy hiệu quả kinh tế tăng hơn 7,3 triệu đồng/ha (vụ Xuân) và tăng hơn 5,9 triệu đồng/ha (vụ Mùa) so với lúa cấy tay thông thường.

Chăm sóc mạ khay

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã thực hiện hội nghị tham quan đầu bờ của mô hình. Người dân trực tiếp tham gia mô hình rất ủng hộ và cam kết tiếp tục áp dụng sản xuất lúa cấy bằng máy trong các năm tiếp theo. Cán bộ và nhân dân một số nơi trong tỉnh sau khi tham quan mô hình đã có nguyện vọng được sản xuất lúa bằng máy cấy. Đặc biệt một số chủ hộ, HTX có nhu cầu tiếp cận nguồn cung cấp máy cấy để mua, làm dịch vụ sản xuất mạ khay, cấy máy, phục vụ nhu cầu của nông dân trong tỉnh.

Áp dụng mạ khay, cấy máy sẽ làm thay đổi mạnh mẽ tập quán canh tác mạ dược cấy tay của nông dân, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho người sản xuất, khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều do sản xuất lúa kém hiệu quả.  Việc chuyển giao ứng dụng sản xuất mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa tại tỉnh Vĩnh Phúc giúp hình hình các tổ hợp tác dịch vụ chuyên cung ứng các dịch vụ về mạ và cấy máy, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc thời vụ, đồng thời tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công kém hiệu quả sang cơ giới hóa, hiện đại hóa.

Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại các tỉnh trung du, đồng bằng Sông Hồng” được thực hiện trong 3 năm từ 2019-2021. Ngoài thực hiện tại Vĩnh Phúc, dự án được còn triển khai tại tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.

Phùng Thị Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc