Xã có nhiều tiềm năng để phát triển lâm nghiệp đồi rừng, kinh tế vườn rừng, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2019 UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2019 về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp và khai hoang đất trồng lúa năm 2019, trong đó có mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trồng cây dược liệu lá khôi dưới tán rừng trồng sản xuất và dưới tán cây đất vườn hộ gia đình với quy mô 25 ha tại các xã Cường Thịnh, Tân Đồng, Hồng Ca thuộc huyện Trấn Yên.

Đi đầu trong phong trào đưa cây khôi nhung về trồng tại vườn nhà phải nhắc đến người cựu chiến binh Phạm Bá Chiến ở thôn Đầm Hồng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông phát triển kinh tế bằng việc trồng quế, xoan, mít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 1997 trong một lần đi rừng thấy bà con thu hái lá cây khôi bán cho các tiểu thương, ông mới biết đến cây khôi và giá trị của nó. Ông về bàn với vợ con, được vợ con ủng hộ, ông đã mua giống về trồng tại vườn nhà. Tuy nhiên lúc đó giá thu mua thành phẩm chưa cao, nhu cầu của thị trường chưa nhiều nên hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình cũng không đáng kể. Để biết cách chăm sóc, nhân giống và phát triển cây khôi tốt hơn, ngoài tìm hiểu tài liệu về cây khôi trên sách báo, năm 2017 ông sang Thái Nguyên học tập kinh nghiệm trồng cây khôi mang về áp dụng tại gia đình. Nhờ đó chỉ với khoảng 0,21 ha trồng khôi nhung nhưng đến nay gia đình ông Chiến có đã có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Chiến cho biết: "Cây khôi thuộc loại ưa ẩm và bóng nên có thể trồng xen với một số loài cây khác dưới tán rừng hoặc ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà. Là loại cây ít bị sâu bệnh nên chăm sóc không khó. Chỉ cần thường xuyên vun xới quanh gốc, phá bỏ cây cỏ xâm lấn, tưới nước tạo độ ẩm cho cây phát triển tốt. Sau mỗi lần thu hoạch lá nên phun thuốc nấm, bón phân chuồng hoai mục, phân NPK để tăng độ tơi xốp và chất dinh dưỡng cho cây”. 

Ông Chiến chia sẻ cách chăm sóc cây khôi

 

Ban đầu từ phát triển nhỏ lẻ hộ gia đình đến nay đã xây dựng được tổ hợp tác trồng cây khôi nhung của xã Cường Thịnh gồm 5- 6 hộ gia đình với tổng diện tích trên 3,0 ha. Với vai trò tổ trưởng tổ hợp tác ông Chiến đã luôn trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch, nhân giống cây khôi cho tổ viên và các hộ dân trong  xã có nhu cầu trồng và phát triển cây khôi. Bên cạnh đó ông Chiến còn chịu trách nhiệm thu gom lá khôi tươi của các tổ viên và người dân trồng cây lá khôi trong xã, lá sau khi mua về được ông sơ chế qua rồi cung cấp cho các công ty dược, đầu ra ổn định, có lãi nên người dân trồng khôi tại xã Cường Thịnh rất yên tâm. 

Cùng với ông Chiến, gia đình ông Nguyễn Văn Nhật, thôn Đồng Lần nhận thấy cây khôi  phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai nên gia đình ông  đã mở rộng diện tích trồng cây khôi nhung đến nay được gần 1 ha. Ông Nhật cho biết cây khôi nhung dễ chăm sóc, phát triển nhanh, ra nhiều lá, sau trồng 7- 8 tháng đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm cây lá khôi cho thu hoạch từ 3 - 5 lứa, mỗi lượt thu hoạch cho 0,5 - 1 kg lá tươi/cây và lượng thu tăng theo các năm. Với giá bán dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg lá khô, đến khi cây trưởng thành, trung bình mỗi năm gia đình ông Nhật có thể thu được từ trên 100 triệu đồng từ cây lá khôi. 

Tổng diện tích trồng cây khôi trên địa bàn xã Cường Thịnh hiện nay có 15,86 ha. Trong  đó có 12 ha kinh doanh; 3,86 ha  trong giai đoạn kiến thiết và tiếp tục từ nay đến cuối năm trồng mới 4,14 ha để hoàn thành 20 ha theo Nghị quyết đề ra.

Mô hình trồng cây khôi nhung làm dược liệu có thể nói bước đầu đã đem lại giá trị kinh tế cho một số hộ dân. Tuy nhiên, quy mô trồng loại cây cây khôi nhung làm dược liệu này còn nhỏ lẻ, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch vẫn theo cách thủ công nên đã hạn chế sinh trưởng phát triển của cây cũng như làm giảm năng suất thu hoạch lá. Thời gian tới HĐND, UBND xã Cường Thịnh tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã mở rộng diện tích trồng cây khôi nhung và phối hợp với Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa tập trung, tạo tính bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất xóa đói giảm nghèo và làm giàu nhờ trồng cây khôi nhung. 

Nguyễn Thị Xuân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái