Theo chân ông Lò Văn Chanh – Giám đốc HTX Hương Chanh, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, đi thăm khu trồng sả của Hợp tác xã, chúng tôi được ông chia sẻ, nơi đây trước kia bà con chỉ trồng cây ngô, lúa nương cho thu nhập thấp. Nhận thấy việc trồng sả lấy tinh dầu phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát huy tiềm lực về đất đai, lao động trên địa bàn, cuối năm 2018, Hợp tác xã Hương Chanh, HTX Thanh Tùng và HTX Hướng Nghiệp đã liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng sả lấy tinh dầu trên vùng đất trồng ngô, lúa nương cho năng suất thấp. Đồng thời Hợp tác xã cấp giống miễn phí cho bà con nông dân và thành viên HTX chuyển đổi giống cây trồng tại 2 xã Hát Lừu và Bản Công, huyện Trạm Tấu; mỗi ha khoảng 800-1.000 kg giống. Bà con nông dân có đất và bỏ công trồng, chăm sóc, thu hoạch, HTX sẽ thu mua toàn bộ lá nguyên liệu cho bà con.

Cây sả là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi và tốn ít công chăm sóc. Cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 9-10 năm. Trồng sả chỉ phải làm cỏ năm đầu, từ năm thứ hai trở đi khi cây sả đã che kín đất thì không phải làm cỏ; đặc biệt không phải dùng phân bón và thuốc hóa học. Nếu như thu nhập từ trồng ngô, lúa nương chỉ đạt 6 triệu đồng/ha thì trồng sả cho thu nhập 35 - 45 triệu đồng/ha.

Đến nay, mô hình liên kết trồng, sản xuất tinh dầu sả của Hợp tác xã đã thu được kết quả bước đầu. Với trên 20 ha sả trồng tại 2 xã Hát Lừu và Bản Công (huyện Trạm Tấu), sau 06 tháng trồng, sả phát triển rất tốt và cho thu hoạch lứa đầu được khoảng 600 kg lá khô/ha; tổng sản lượng thu lứa đầu đạt 6 tấn lá tươi (tương đương với 2,5 tấn lá khô); HTX thu mua cho bà con với giá 1.500 đồng/kg tươi, 4.500 đồng/kg khô. Sả thu hoạch lứa đầu có sản lượng và tỷ lệ tinh dầu cao, đạt 16 kg/1 tấn lá khô, với giá bán tinh dầu hiện khoảng 400.000 -500.000 đồng/kg.

Bên cạnh diện tích sả trồng tại Trạm Tấu, HTX Hương Chanh còn liên kết với HTX Hướng Nghiệp trồng 28 ha sả tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; xây dựng xưởng chưng cất tinh dầu tại xã Tân An, huyện Văn Bàn và ký hợp đồng cung cấp, bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài với đối tác Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Hệ thống chưng cất tinh dầu sả của HTX Hương Chanh

Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã trong thời gian tới, ông Lò Văn Chanh – Giám đốc HTX Hương Chanh cho biết: “Để chủ động về nguyên liệu đầu vào, Hợp tác xã chúng tôi có kế hoạch liên kết với HTX Hướng Nghiệp tiếp tục mở rộng vùng trồng sả tại huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái); xây dựng Dự án mở rộng quy mô trồng xả tại huyện Trạm Tấu lên 500 ha đến năm 2020. HTX Hương Chanh cũng đã lập phương án xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thêm dây chuyền chưng cất tinh dầu sả ngay tại địa bàn huyện Trạm Tấu để giảm thiểu chi phí vận chuyển lên Văn Bàn (Lào Cai), nâng cao hiệu quả sản xuất. Phương án của chúng tôi đã được Liên minh HTX tỉnh trình Liên minh HTX Việt Nam phê duyệt hỗ trợ triển khai và tiến hành khảo sát, mời thầu, lựa chọn nhà cung cấp thiết bị cho HTX, để có thể đưa vào sản xuất trong thời gian sớm nhất”.

Để những đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có thể thay đổi nhận thức, tiếp cận với những giải pháp thâm canh mới, giúp tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống thì những mô hình liên kết sản xuất như mô hình liên kết trồng sả lấy tinh dầu của HTX Hương Chanh (Trạm Tấu) rất cần được các cấp, các ngành quan tâm, nghiên cứu, tạo điều kiện nhân rộng.

Nguyễn Lan Anh

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái