Trong đó táo mèo (sơn tra) là loại cây bản địa đa tác dụng, sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, điều kiện lập địa và tập quán canh tác của người dân vùng cao, nhất là đồng bào người H’Mông sống gắn bó với rừng, đặc biệt là hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.

Sơn tra ra hoa vào cuối mùa xuân và cho thu hái quả vào mùa thu (mùa quả chín rộ từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm). Khi chín quả có màu hồng trắng hoặc vàng trong, hơi dẹt, khi gọt không có cảm giác xít tay, khi ăn táo có vị ngọt, giòn, hơi chua và chan chát (vì vậy có nơi còn gọi là quả chua chát) với mùi thơm hấp dẫn. Quả sơn tra có rất nhiều công dụng như: làm ô mai, chế biến nước giải khát, có tính năng kỳ diệu trong y học như chữa đầy bụng, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, hạ mỡ máu...

Tận dụng lợi thế sẵn có từ cây bản địa này, việc duy trì chăm sóc, bảo vệ và nhân giống để mở rộng diện tích trồng cây sơn tra được các cấp, các ngành quan tâm. Theo quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng và kết quả điều tra kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái, diện tích đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải là 154.500 ha, chiếm 22,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, diện tích đất có rừng 121.171,4 ha (diện tích đất có rừng mới trồng chưa thành rừng 4.491,6 ha và đất chưa có rừng có khả năng trồng rừng 27.617,42 ha). Đây là tư liệu sản xuất để đầu tư cho việc mở rộng diện tích trồng loài cây sơn tra, 1 loại cây đặc sản vùng miền, được tổ chức Việt Nam ghi nhận là 1 trong 50 loại trái cây đặc sản ở Việt Nam.

Những tiềm năng ẩn dấu của cây táo mèo tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, hạn chế cháy rừng, duy trì nguồn sinh thủy cho lưu vực Sông Hồng, sông Đà, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong vùng, Bảo tồn Di sản ruộng bậc thang của tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách, đặc biệt phù hợp với điều kiện lập địa ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.

Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ra quyết định số 2412/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án và quyết định số 989/QĐ-UBND điều chỉnh bổ sung “Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020 đạt 10.000 ha (bao gồm duy trì 3.820 ha hiện có, trồng mới 6.200 ha trên đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và đất nương rẫy kém hiệu quả

Cây táo mèo (sơn tra) Mù Cang Chải cho quả

 

Đề án được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải, Trạm Tấu thực hiện và quản lý; đối tượng thực hiện là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư đang tham gia bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ. Các hộ được hỗ trợ về cây giống, nhân công trồng, chăm sóc rừng trồng bổ sung bằng cây sơn tra và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây sơn tra cho quả, được hưởng tiền công bảo vệ rừng, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm giàu rừng và các dịch vụ khác (nếu có), cam kết bảo vệ, chăm sóc rừng trồng theo quy định về làm giàu rừng, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, chấp hành các nghĩa vụ khác theo quy định.

Qua thời gian triển khai, thực hiện, đến nay, huyện Trạm Tấu đã thực hiện 4.093,3 ha/4578 ha theo đề án. Với diện tích cây sơn đã cho quả là 851 ha (trong đó có 200 ha rừng hỗn giao cho quả ổn định hàng năm và 651 ha trồng mới từ năm 2008); sản lượng quả thương phẩm bình quân hàng năm đạt từ 160 - 200 tấn/năm. Huyện Mù Cang Chải đã thực hiện trồng mới được 2.892/3.800 ha theo đề án; Duy trì, bảo vệ chăm sóc diện tích hiện đã cho quả là 1.962,1 ha. Với tổng sản lượng thu hái quả là 3.000/tấn/năm, cung cấp một lượng lớn sản phẩm quả táo mèo ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Tại Mù Cang Chải, quả táo mèo đã được công nhận nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả sơn tra Mù Cang Chải. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đề án còn gặp những khó khăn tồn tại như vốn hỗ trợ còn thấp, bởi vậy khó khăn trong việc gieo tạo cây giống, chuẩn bị đất... để trồng rừng.

Để hoàn thành mục tiêu đề án đã đặt ra, trong thời gian tới, với sự bảo tồn, gây trồng và mở rộng diện tích táo mèo, đề án sẽ tiếp tục được thực hiện với các hoạt động sớm giao kế hoạch trồng rừng hàng năm và bố trí đủ vốn thực hiện cho người trồng rừng, cùng với sự lãnh chỉ đạo của các cấp, ngành, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và bà con nông dân, từ đó phát triển hiệu quả và bền vững loài cây đặc sản này, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng cao Yên Bái.

Phạm Thị Hằng

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái