Anh Hà Sơn Dong, thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn là một trong những hộ trồng bí lấy hạt từ nhiều năm nay. Trước đây, cũng giống như nhiều hộ trong thôn, gia đình anh chỉ trồng các cây rau màu thông thường, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu, anh đã mạnh dạn cải tạo đất ruộng kém hiệu quả của gia đình để trồng bí đỏ. Đến nay, 1 năm 2 vụ, diện tích bí mỗi vụ của gia đình anh đạt khoảng 1.000 m2, sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình anh nguồn thu đáng kể.

Anh Dong chia sẻ: “Nếu như trước đây, với diện tích 1.000 m2 gia đình tôi trồng ngô chỉ thu được 5 - 6 triệu. Nay tôi trồng bí lấy hạt, với giá thu mua của công ty là 340.000 đồng/kg hạt bí đỏ khô và 600.000 đồng/kg hạt bí xanh khô, sau khi trừ đi chi phí, mỗi vụ tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng. Nhất là được công ty cam kết thu mua toàn bộ hạt giống nên bà con chúng tôi yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra nữa”.

Anh Dong còn cho biết thêm, mỗi thôn Công ty cử 1 cán bộ kỹ thuật theo sát từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hái nên bà con được hướng dẫn tỉ mỉ quy trình kỹ thuật. Thu nhập từ cây bí lấy hạt được người dân coi như cây xoá đói giảm nghèo.

Liên kết với doanh nghiệp trồng bí lấy hạt mang lại thu nhập ổn định cho người dân

 

Cũng giống như gia đình anh Dong, anh Nguyễn Văn Nối ở thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng bí lấy hạt của xã. Bắt đầu trồng bí lấy hạt từ năm 2011, ban đầu gia đình anh chỉ trồng ít theo bà con, sau thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây rau màu khác nên gia đình anh đã đầu tư cải tạo toàn bộ đất vườn của gia đình để trồng bí lấy hạt. Đến nay, gia đình anh trồng hơn 2.500 m2 trong đó 1.500 m2  trồng bí đỏ và 1.000 m2 trồng bí xanh.

Theo anh Nối, trồng bí lấy hạt ngoài việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì khâu thụ phấn đóng vai trò quan trọng. Công đoạn thụ phấn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ vì phải làm thủ công từng bông và kết thúc trong vòng 1 tuần khi hoa cái còn chưa nở. Người trồng phải đi thụ phấn vào buổi sáng sớm và lấy giấy đậy lại giúp tránh côn trùng cắn phá, nếu có mưa sẽ không bị ảnh hưởng đến khả năng đậu quả. Để tránh nhầm lẫn, phải đánh dấu vào những bông đã thụ phấn để thuận lợi cho quá trình thu hoạch.

Anh Nối cũng cho biết thêm, mô hình trồng bí lấy hạt rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giống cây khỏe, ít sâu bệnh và dễ chăm bón. Ngoài ra, thời gian thu hoạch chỉ mất khoảng 120 ngày kể từ ngày xuống giống. Nếu người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/ha và cao gấp 5 lần so với các loại cây rau màu khác. Mặt khác, công ty chỉ thu mua hạt nên sau khi thu hoạch, phần thịt quả được người dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm đã tiết kiệm được chi phí đầu vào cho chăn nuôi.

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: “Mô hình trồng bí lấy hạt tại xã Sơn Lương tuy không phải là mô hình mới nhưng đã thể hiện sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Thu nhập từ trồng bí lấy hạt đã đem lại cho người dân nguồn thu đáng kể, nếu đem so sánh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác thì gấp 5 đến 6 lần. Vụ đông xuân năm nay toàn xã trồng bí lấy hạt với tổng diện tích hơn 5 ha, chúng tôi cũng đã có ý kiến với công ty vụ tới tiếp tục mở rộng diện tích thêm 3 đến 5 ha”.   

Được biết, vụ đông xuân 2021 Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát triển khai mô hình trồng bí lấy hạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tổng diện tích 12 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Phù Nham và xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn. Với mong muốn đưa các giống tốt, có hiệu quả kinh tế cao đến các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn để góp phần tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, công ty có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã qua đào tạo nằm vùng tại địa phương, luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình trong cả mùa vụ.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái