Là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Trấn Yên, Bảo Hưng có tổng diện tích chè gần chè gần 300 ha, trong đó có hơn 200 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Từ bao đời nay, cây chè luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã.

“Người trồng chè chúng tôi giờ khác xưa lắm rồi. Trồng chè giờ phải theo quy trình kỹ thuật của sản xuất chè an toàn theo VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu khi cây có bệnh thì dùng thuốc có nguồn gốc sinh học. Trồng chè VietGAP ban đầu khó làm vì mình đang làm theo cách cũ quen rồi. Nhưng giờ thấy làm theo cách này lợi đủ đường, người trồng chè thì đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho môi trường sống, người tiêu dùng thì được sử dụng sản phẩm sạch”. Đó là chia sẻ của anh Vũ Anh Hoàng ở thôn 5, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên khi được hỏi về kinh nghiệm trồng chè của bản thân.

Nếu như trước kia, người dân chủ yếu canh tác theo cách làm truyền thống, việc sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý đã làm giảm năng suất, chất lượng của chè. Qua việc triển khai một số dự án tại địa phương như Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái (QSEAP);  mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2019” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai đã phần nào thay đổi nhận thức của người dân. Từ việc chỉ biết canh tác theo truyền thống thì giờ đây người dân xã Bảo Hưng đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật,  ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường, sức khỏe của các hộ trong sản xuất. Ban đầu chỉ những hộ dân tham gia mô hình, dự án trồng chè theo VietGAP, dần dần, những hộ dân trong thôn xã thấy đây là cách làm không những nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị cho sản phẩm chè mà còn mang tính bền vững nên phong trào trồng chè an toàn được lan toả trong toàn xã.

Được thành lập từ năm 2016, với 15 thành viên, Hợp tác xã (HTX) sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng luôn là cầu nối kỹ thuật, hỗ trợ các thành viên trong HTX tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, những năm qua, HTX đã đẩy mạnh các hoạt động như: Tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc chè an toàn cho các hộ thành viên; Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Ngay từ khi thành lập HTX, quy trình sản xuất chè theo VietGAP đã được HTX lựa chọn để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu.

Mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2019”

 

Ông Vũ Viết Quốc - Giám đốc HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng cho biết: “Với mục tiêu đưa các sản phẩm chè đảm bảo chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng. Bản thân mỗi thành viên trong hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè theo VietGAP. Sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng đạt sản phẩm OCOP 3 sao đã khẳng định được những cố gắng của Hợp tác xã sản xuất chè xanh Bảo Hưng nói chung và ban giám đốc HTX nói riêng trong việc xây dựng thương hiệu và cũng là yếu tố quyết định để chè Bát Tiên Bảo Hưng có chỗ đứng vững chắc trong nước và vươn tầm xuất khẩu ra nước ngoài”.

Trồng chè an toàn rất kỳ công, từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo quy trình nghiêm ngặt. Việc hái chè búp tươi cũng phải theo đúng kỹ thuật để chừa phần lá nhiều, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn, mang lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Văn Bảy – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bảo Hưng cho biết: “Sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là thành quả cho những cố gắng tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn của người dân xã Bảo Hưng nói chung và HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao nói riêng. Đây cũng là tiền đề để sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng được phân phối trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô vùng nguyên liệu chè an toàn, dần hướng đến sản xuất chè hữu cơ”.

Nguyễn Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái