Xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh là hai địa phương cơ sở được tỉnh chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới từ năm 2018. Tham gia mô hình, người dân được tuyên truyền, phổ biến, tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, nhất là được tham dự các lớp tập huấn kỹ năng, cách thức tổ chức thực hiện những vấn đề ở xóm, ấp; phương châm “3 biết” trong xây dựng nông thôn mới: Biết để tự lực, tự chủ; Biết để hợp tác; Biết để vận dụng, thực hiện. Từ những kiến thức bổ ích đó, đã tác động khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xác định được chủ thể xây dựng nông thôn mới là người dân, phát huy tính sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh, liên kết hợp tác nâng cao đời sống dân trí, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2019 - 2023, huyện Cao Lãnh tiếp tục được tỉnh chọn để thực hiện mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới gắn với thí điểm mô hình phát triển sản xuất do Quỹ Toàn cầu hoá Seamaul (SGF) Hàn Quốc tài trợ tại xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề Thực hiện mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới gắn với thí điểm mô hình phát triển sản xuất

 

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh và ông Lê Chí Thiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Thực hiện mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới gắn với thí điểm mô hình phát triển sản xuất do Quỹ Toàn cầu hoá Seamaul (SGF) tài trợ tại xã Tân Hội Trung, giai đoạn 2019 – 2023. Tại đây, các vị đã thông tin, chia sẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý và thực thi cho cán bộ xã, các ấp, thành viên của Hợp tác xã, Hội quán và người dân trong xã; chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ phong trào Làng mới Saemaul Undong của Hàn Quốc, đồng thời gợi mở, định hướng những ý tưởng làm tiền đề để địa phương nghiên cứu vận dụng linh hoạt phát triển nông thôn phù hợp với thực tế địa phương.

Dự án đã tài trợ kinh phí xây dựng trụ sở, khối nhà làm việc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã, sắp tới tài trợ đầu tư xây dựng nhà lưới để thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn hữu cơ, mục đích cung cấp sản phẩm an toàn, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng xã nói riêng và toàn huyện, tỉnh nói chung; tổ chức nhiều cuộc tập huấn mô hình sản xuất an toàn, gắn với phát triển sản phẩm chủ lực góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương. Cần phát huy lợi thế này, kết hợp việc xác định đúng, rõ mục tiêu, trong đó trọng tâm là việc chăm lo đời sống kinh tế, cải thiện thu nhập của bà con nông dân; phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã là một hướng đi triển vọng, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế sẳn có về trồng lúa, nuôi ếch, nuôi cá…; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, bồi dưỡng khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ở cộng đồng dân cư, nêu cao tinh thần chủ thể của người dân, thể hiện tính chăm chỉ, cần cù, sáng tạo, tự lực, hợp tác, liên kết trong lao động, sản xuất … sẽ là nhân tố quan trọng, cần thiết để tạo nên sự phát triển lâu dài, bền vững của mô hình.

Trần Thắng

Ban Tuyên giáo & Dân chủ - Pháp luật UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp