Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện một số cơ quan của Bộ NN&PTNT; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị, doanh nghiệp và đại diện các thôn, xóm, hộ gia đình tiêu biểu trên địa bàn.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 10 năm thực hiện với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, của toàn xã hội, phát huy sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn tại tỉnh Hà Nam thực sự được đổi mới. Nhận thức của cán bộ và nhân dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét về nông thôn mới. Phong trào nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để xây dựng Nông thông mới, tỉnh đã huy động được trên 14.600 tỷ đồng cho xây dựng NTM, bình quân mỗi năm huy động được xấp xỉ 1.626 tỷ đồng. Triển khai hiệu quả thực hiện quy hoạch,đề án xây dựng Nông thôn mới gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường. Xây dựng hạ tầng được tập trung đầu tư hướng đến đồng bộ hơn; diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt nhất là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về không gian, thu nhập, mức sống.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết đã thu hút một số doanh nghiệp lớn như VinEco; Vina Seed; Vinamilk… đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 656,22 ha. Quan tâm hơn trong vấn đề sản xuất có hợp đồng tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bao tiêu nông sản hàng hóa. Chú trọng tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững với mức thu nhập bình quân 46 triệu đồng hiện nay. Theo đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nông thôn mới 2019 còn 0,75%.

Những nhiệm vụ, nội dung trọng tâm được xác định rõ trong từng giai đoạn cụ thể để tập trung thực hiện, như: dồn điền, đổi thửa; làm đường giao thông, tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo vệ môi trường nông thôn và truyền thống văn hóa. Các địa phương đã gắn phong trào xây dựng NTM với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương… Qua đó tạo động lực đẩy nhanh lộ trình, thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng NTM. Đến nay, Hà Nam có 100% số xã (98/98 xã) được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; 4/6 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong giai đoạn 2011-2020 có nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng. UBND các huyện, thành phố đã tặng Giấy khen cho 414 tập thể, 469 cá nhân; UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua cho 98 xã, 3 huyện, thành phố; 733 tập thể, cá nhân, hộ gia đình đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Chính phủ đã tặng Cờ thi đua cho 1 tập thể. Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.

Xây dựng NTM được xác định là một quá trình lâu dài, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên gấp 1,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 0,5%. Đến năm 2030 có 30% số huyện, thành phố đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đều khẳng định: Sau 10 thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phong trào thi đua rộng  khắp các địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo không khí phấn khởi đoàn kết. Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình được hoàn thành vượt kế hoạch đề ra và cao hơn bình quân chung của cả nước. Đồng chí Nguyễn Xuân Đông cũng nhấn mạnh: Hà Nam là một trong năm tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã nhận được sự ủng hộ, sự tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, người con Hà Nam sống xa quê. 

UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới"

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, nên để thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 cần sự quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Trong đó, cần xác định nhiệm vụ xây dựng NTM là trọng tâm, xuyên suốt; đồng thời, cần duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xây dựng NTM kiểu mẫu, nông thôn mới bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; học hỏi, nghiên cứu, áp dụng sáng tạo các mô hình, cách làm hay để đưa phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Xây dựng NTM phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, giá trị canh tác. Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch trong xây dựng NTM. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM kiểu mẫu; tiếp tục huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tập trung thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Hà Nam; tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng NTM kiểu mẫu, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. 

Đối với các huyện, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo.  Các sở, ban, ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp với điều  kiện mới. Sau hội nghị này, các ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm, UBND tỉnh đã trao tặng Bằng khen cho 44 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011-2020 đã được vinh danh, khen thưởng. 

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam