Những năm gần đây, tuy tổng sản lượng lương thực trên địa bàn huyện Sơn Tịnh giảm dần do diện tích sản xuất lương thực bị thu hồi nhưng nhờ làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất các loại cây lương thực như lúa, ngô đều tăng qua từng năm. Xác định công tác dồn điền, đổi thửa là một trong những khâu đột phá quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được trên 340 ha. Trong đó, năm 2017 thực hiện được trên 65 ha, năm 2018 thực hiện trên 159 ha và năm 2019 trên 100 ha, dự kiến năm 2020 huyện sẽ thực hiện dồn điền đổi thửa trên 157 ha. Tổng kinh phí thực hiện dồn điền đổi thửa cho 4 năm dự kiến trên 18 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 11,6 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 4,9 tỷ đồng và ngân sách xã trên 1,4 tỷ đồng.

Để việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch trên cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp ngày một đồng bộ, huyện Sơn Tịnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã đăng ký và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, trên vùng đất có khả năng thiếu nước khi trồng lúa, trên diện tích chân cao đang sản xuất 2 vụ lúa không hoàn toàn chủ động tưới. Các loại cây trồng được khuyến cáo để chuyển đổi là ngô, đậu phụng (lạc), chuối lùn, đậu đỗ và rau quả các loại. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 hécta canh tác hiện đã đạt 62  triệu đồng. Dự kiến đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 65,5 triệu đồng.

Nông dân Sơn Tịnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng (lạc) đạt hiệu quả cao

Từ thực tiễn sản xuất cho thấy, nhiều loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của huyện. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tập trung chuyển giao trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao như chuối, khoai lang, ngô, đậu đỗ các loại... Những mô hình chuyển đổi bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định, giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích chuyển đổi đạt từ 50-100 triệu đồng đồng/ha, thu lãi 10-30 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ nông dân thật sự thoát nghèo vươn lên khấm khá. Toàn huyện cũng đã xây dựng và đang phát triển ổn định 25 trang trại tổng hợp. Có 9 trang trại đạt Tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng doanh thu 23 tỷ đồng/năm. Sự hình thành và phát triển của kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đã góp phần giúp người dân mở rộng qui mô sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, cung ứng nhiều giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, thích ứng theo cơ chế mới hiện nay, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Sơn Tịnh thực sự tạo thành đòn bẩy về sản xuất nông nghiệp. Đáng kể nhất là tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từ đó thay đổi dần phương thức, tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, ý thức tự thoát nghèo vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới.

Tính đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt nông thôn mới là Tịnh Giang, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Trà, Tịnh Sơn. Hiện đang kiểm tra công nhận 3 xã Tịnh Phong, Tịnh Hà, Tịnh Đông về đích nông thôn mới năm 2019. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã đạt tiêu chí về thu nhập.

Thu Phượng - Kim Cúc

Đài PTTH Sơn Tịnh – Quảng Ngãi