Tuy nhiên, để lan tỏa những câu chuyện sản phẩm chất lượng, ngoài xuất phát từ chính niềm đam mê sáng tạo của chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng, còn cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, tỉnh Lào Cai có nhiều chính sách khuyến khích các chủ thể OCOP liên kết sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Những năm qua hàng nghìn lượt chủ thể đã được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm OCOP Lào Cai đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng tìm đến khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP Lào Cai qua các Chương trình xúc tiến thương mại lan tỏa những sản phẩm.
Trao đổi với bà Phạm Thị Mai - HTX nuôi trồng chế biến thủy sản cá hồi, cá tầm Thức Mai, HTX đã có hơn chục năm kinh nghiệm trong việc nuôi cá tầm, cá hồi. Cá hồi Sa Pa được nuôi ở vùng khí hậu lạnh Sapa, được yêu thích bởi sự tươi ngon và thớ thịt dai săn chắc. Do khí hậu lạnh đặc trưng của Sa Pa gần giống với điều kiện sống tự nhiên của cá hồi nhập ngoại, vì vậy cá hồi Sa Pa không kém cạnh gì so với các loại cá hồi nhập khẩu về chất lượng và giá trị dinh dưỡng.
Trong thời điểm dịch covid bùng phát, HTX Thức Mai cũng như các hộ dân nuôi cá khác lâm vào tình cảnh lao đao vì thua lỗ. Không ngại khó, ngại khổ cùng với nỗi niềm trăn trở làm sao để tìm đầu ra cho sản phẩm cá hồi Sa Pa, cũng như đưa lên mâm cơm của mỗi gia đình người Việt những món ăn thuần Việt, chị Mai đã lựa chọn hướng chế biến sâu. Chị nghiên cứu tìm tòi sáng tạo ra hơn 20 món ăn từ cá hồi như cá hồi Sa Pa xông khói nóng, cá hồi phi lê xông khói lạnh, ruốc cá hồi thượng hạng, xúc xích, chả cá hồi, cá hồi Sa Pa kho niêu, bánh chưng nhân cá hồi, lạp xưởng cá hồi… Mỗi sản phẩm là một câu truyện được chị tạo ra với hy vọng nhận được sự công nhận của người tiêu dùng.
Chị Mai chia sẻ sản phẩm của chị sau khi sản xuất ra, không dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng dù chị đã đưa đi ký gửi tại một số siêu thị cửa hàng tiện lợi, gửi đi trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhưng số lượng sản phẩm bán được không nhiều, đa số bị hoàn về. Qua tìm hiểu chị được biết do người tiêu dùng chưa hiểu hết giá trị sản phẩm của mình, câu chuyện của sản phẩm chưa được lan tỏa, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại do Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục phát triển nông thôn) tổ chức. Sau một số hội chợ trong và ngoài tỉnh, chị kể về câu chuyện sản phẩm, cách phân biệt 1 số sản phẩm nhái sản phẩm cá hồi Sa Pa, kết hợp với mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok), đến nay sản phẩm của HTX đã khẳng định vị thế.
Trao đổi với anh An Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn với ngành nghề kinh doanh chính là chiết xuất tinh dầu thiên nhiên và hoạt động các dịch vụ liên quan đến nông, lâm nghiệp. Trong đó, tinh dầu đại bi là sản phẩm chủ lực đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Lào Cai năm 2021. Đây là một loại tinh dầu hiếm có trên thị trường, được chiết xuất 100% từ cây đại bi đã được chứng minh có công dụng làm giảm căng thẳng, cảm cúm, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau răng, say các chất có cồn, mất ngủ; có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm.
Anh Tuấn chia sẻ, mỗi sản phẩm của Hợp tác xã đều là một bài thuốc và có câu chuyện riêng. Phải kể nên câu chuyện cho người tiêu dùng hiểu thì họ mới quan tâm đến sản phẩm, cân nhắc lựa chọn sản phẩm của mình sử dụng và nhớ đến sản phẩm, giới thiệu đến người tiêu dùng khác. Câu chuyện về sản phẩm của anh Tuấn là câu chuyện của người Tày ở Văn Bàn chữa bệnh bằng những cây thuốc trong những lần đi rừng, các bài thuốc chữa được bệnh nan y từ các thầy lang.
Anh Tuấn chia sẻ, sau khi sản phẩm tinh dầu đại bi đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Lào Cai năm 2021, anh được tham gia một số chương trình xúc tiến thương mại có cơ hội lan tỏa câu chuyện sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng. Đến nay, từ sản phẩm tinh dầu, Hợp tác xã đã cho ra thêm nhiều loại sản phẩm từ cây đại bi như trà túi lọc, cao lá, tinh chất, nước súc miệng... và luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu".
|
|
Anh Tuấn có cơ hội lan tỏa câu chuyện sản phẩm đến tay người tiêu dùng khi tham gia chương trình xúc tiến thương mại |
Chị Cồ Thị Hiền - giám đốc HTX miến dong Hưng Hiền sinh ra và lớn lên ở bản vùng cao của huyện Bát Xát, sống giữa những cánh đồng dong riềng đỏ rộng mênh mông nhưng người dân địa phương chỉ biết trông đợi thương lái đến thu mua nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, giống dong riềng truyền thống này cũng dần bị mai một, thay thế bằng các giống "dong cao sản", làm ra những sợi miến công nghiệp, không còn thơm, còn dai và vị tự nhiên của rong riềng đỏ. Ở trong một gia đình có 3 thế hệ làm miến truyền thống, những câu chuyện kể của ông bà nội, mẹ chồng về sự vất vả của nghề tráng miến thủ công mà hiệu quả không cao đã thúc giục chị Hiền bắt đầu hành trình đi tìm hương vị của miến xưa. Năm 2017, vợ chồng chị đã huy động số vốn 400 triệu đồng từ người thân trong gia đình để mua sắm các thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất miến. Lúc đầu anh chị chỉ sản xuất nhỏ theo quy mô gia đình nhưng so với trồng lúa vẫn ổn hơn. Tuy nhiên chị Hiền vẫn cảm thấy hiệu quả như vậy là quá thấp do còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị máy móc sản xuất, kỹ thuật pha chế, cách bảo quản. Ngoài ra, quy trình sản xuất còn thô sơ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu nên khả năng cạnh tranh thấp.
Để khắc phục các vấn đề trên, vợ chồng chị quyết tâm học hỏi, nghiên cứu tài liệu và đặc biệt anh chị nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ các cấp tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn. Năm 2020, chị Hiền tham gia cuộc thi "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" cấp tỉnh do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đạt giải ý tưởng xuất sắc "Xây dựng cơ sở sản xuất miến dong, miến sâm truyền thống chất lượng cao". Năm 2021 với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội Phụ nữ huyện Bát Xát và Hội LHPN tỉnh Lào Cai, cơ sở sản xuất miến dong của vợ chồng chị Hiền đã được nâng cấp và thành lập "Hợp tác xã miến dong Hưng Hiền".
Năm 2022 HTX miến dong Hưng Hiền tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với 02 sản phẩm miến sâm Hưng Hiền, miến lẩu sâm Hưng Hiền, cả 02 sản phẩm đều đạt 3 sao cấp tỉnh. Ngay sau đó, HTX đã được hỗ trợ theo quy định của Chương trình, tem, đưa lên sản thương mại điện tử, cải tiến mẫu mã, tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ vào các Chương trình xúc tiến thương mại tham gia các hội chợ do Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Phát triển nông thôn), sản phẩm của Hợp tác xã miến dong Hưng Hiền đã lan tỏa được câu chuyện về người Giáy vùng cao sản xuất miến từ củ dong đỏ, kết hợp với củ sâm Hoàng Sin Cô trồng trên dãy núi Hoàng Liên Sơn tạo ra vị miến đặc sắc có lợi cho sức khỏe.
|
|
Câu chuyện về người Giáy vùng cao sản xuất miến từ củ dong đỏ, kết hợp với củ sâm Hoàng Sin Cô trồng trên dãy núi Hoàng Liên Sơn đã được chị Hiền lan tỏa qua các chương trình xúc tiến thương mại |
Ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Chi cục Trưởng Chi cục PTNT Lào Cai, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai cho biết, những năm qua Chi cục đã tổ chức trên 10 đoàn tham gia xúc tiến thương mại tại các Hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh. Qua đó đã giúp các chủ thể O COP giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các chủ thể OCOP trong cả nước, đồng thời cũng giúp các chủ thể lan tỏa được những câu chuyển về sản phẩm độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người Lào Cai. Đây chính là yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP Lào Cai có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường, là một trong các tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá của từng Nhóm sản phẩm theo Chu trình đánh giá sản phẩm OCOP của Trung ương qui định. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Nhiều chủ thể OCOP đã được lan tỏa được thông điệp câu chuyện sản phẩm thông qua các hội chợ, các nền tảng xã hội. Đến nay một số sản phẩm OCOP Lào Cai đã được người tiêu dùng trên cả nước quan tâm đánh giá là một trong những sản phẩm có chất lượng tốt như các sản phẩm từ cá hồi của HTX Thức Mai, sản phẩm tinh dầu đại từ bi của HTX Thế Tuấn, các sản phẩm dược liệu của công ty Traphaco Sa Pa, miến đao sâm của HTX Hưng Hiền, gạo Séng cù của HTX Hảo Anh, tương ớt Mường Khương của HTX Hoa Lợi, rượu Mận, rượu mơ của hộ kinh doanh Viet Mountains… Từ đó có thể khẳng định ý nghĩa của việc triển khai chương trình OCOP của Lào Cai đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Chương trình xúc tiến thương mại lan tỏa các câu chuyện sản phẩm OCOP mang thông điệp về giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng và niềm tự hào của người làm ra. Đây chính là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường bởi nó mang giá trị vô hình, có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của khách hàng, thay đổi hành vi của khách hàng, trở thành một phần lý do họ mua hàng. Đây là một trong những giải pháp cần được các cấp, ngành, địa phương và chủ thể OCOP, đặc biệt quan tâm đầu tư hiện nay, tăng giá trị và giữ hạng sao cho sản phẩm OCOP, để cho sản phẩm OCOP Lào Cai ngày một vươn xa hơn nữa.
Đỗ Minh Nguyệt
Chi cục phát triển nông thôn Lào Cai