Trong quá trình tổ chức thực hiện, Quảng Ninh tập trung vào những khâu then chốt như thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; chỉnh trang lại đồng ruộng từ hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện xong quy hoạch lại vùng sản xuất, trên cơ sở đó thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên cùng một đơn vị diện tích.

Sau khi hồ chứa nước Rào Đá (Trường Xuân) đưa vào sử dụng, diện tích các loại cây trồng trên địa bàn huyện Quảng Ninh được mở rộng, trong đó diện tích trồng cây lương thực đạt 9.400 ha, tăng 1.070 ha. Hàng năm, nhờ triển khai tốt đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên chất lượng được nâng lên, sản lượng lương thực bình quân đạt 50.000 tấn/năm (trong đó năm 2014 đạt 51.000 tấn), tăng 7.200 tấn so với năm 2010.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm chỉ đạo, bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây lúa, cây ngô, cây rau màu và cây thực phẩm. Nhân dân trong huyện đã chuyển đổi gần 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô lai, dưa hấu, đậu xanh vv... tăng thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện có 3.565 ha cho thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/ha, trong đó có 380 ha thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Hình thành vùng chuyên canh rau màu tại Quảng Ninh

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất tập trung, trang trại, gia trại gắn với vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Tổng đàn trâu, bò gần 10.000 con, đàn lợn trên 43.000 con, đàn gia cầm 320.000 con. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên, đàn lợn ngoại chiếm 90%, đàn bò lai chiếm 61,3% tổng đàn, tăng 25% so với năm 2010. Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.

Công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng và trồng rừng kinh tế được chú trọng. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt Nghị quyết số 07-NQ/HU của Huyện ủy về phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, biên giới và Đề án giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc miền núi. Toàn huyện trồng mới 1.183 ha rừng, bàn giao 2.836 ha đất rừng cho 728 hộ và 4 cộng đồng thôn, bản; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 525 hộ/1.527 ha ở 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng kinh tế. Diện tích rừng trồng khai thác đạt 1.566 ha, sản lượng 87.662m3, giá trị khai thác đạt 96 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn tích cực triển khai dự án Vùng đệm khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, dự án Jica, dự án trồng rừng bền vững; chuyển đổi diện tích đất rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, những diện tích có điều kiện chuyển sang trồng cây cao su; triển khai dự án trồng cây cao su ở bản Nà Lâm, dự án Làng Thanh niên lập nghiệp ở Trường Xuân. Đến nay, diện tích cây cao su toàn huyện đạt 460 ha, tăng 369 ha so với năm 2010.

Kinh tế phát triển khá ổn định, nhân dân tích cực đóng góp công của thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đạt 2.144 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 1.091 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1.053 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 192 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trung bình mỗi xã đạt khoảng 14 tiêu chí, tăng 20 tiêu chí so với đầu năm 2016. Trong đó có 3 xã về đích nông thôn mới là Lương Ninh, Vĩnh Ninh và Hàm Ninh; 2 xã đạt 16 tiêu chí là Xuân Ninh và Võ Ninh; 2 xã đạt 14 tiêu chí là Gia Ninh và Hiền Ninh; 2 xã đạt 13 tiêu chí là Duy Ninh và Vạn Ninh; xã Hải Ninh đạt 12 tiêu chí; xã Trường Xuân đạt 11 tiêu chí; 2 xã đạt 10 tiêu chí là An Ninh và Tân Ninh; xã Trường Sơn đạt 6 tiêu chí. Hiện nay, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Quảng Ninh tập trung chỉ đạo thêm 2 xã về đích nông thôn mới trong năm 2016 là Võ Ninh và Xuân Ninh.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, huyện Quảng Ninh tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân. Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích của người dân. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người dân vùng nông thôn; phấn đấu đến năm 2019 đạt huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 Hà Ngọc Khang 

Đài TT-TH Quảng Ninh (Quảng Bình)