Qua hơn bốn năm hình thành và phát triển hợp tác xã đã có phương an sản xuất kinh doanh sản phẩm đạt chất lượng theo quy định, có đóng góp cho địa phương, góp phần nhỏ trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất đã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Vĩnh Thuận năm 2021, trong đó có 05 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Lê Thị Kim Thoa, giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát cho biết: “Khi mới thành lập Hợp tác xã có 8 thành viên; đến nay đã tiến hành hội nghị và kiện toàn bổ sung nhân sự với 12 thành viên chính thức. Những ngày đầu thành lập, hợp tác xã sản xuất tôm khô từ tôm thẻ thiên nhiên là nguồn nguyên liệu tại địa phương do gia đình sản xuất và bán ra thị trường với hình thức còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều khách hàng. Trong khi đó thị trường tôm khô đã có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng trong và ngoài tỉnh. Với những cố gắng nỗ lực của tập thể Hợp tác xã, qua quá trình kiện toàn, cơ cấu lại nhân sự, thay đổi một số quy trình trong kế hoạch tiếp cận thị trường; đến nay hợp tác xã đã có nhiều kênh phân phối, đại lý, hệ thống sĩ và lẽ, cộng tác viên bán hàng” …
Thị trường hiện tại rất đa dạng, sản phẩm tôm khô ở các tỉnh như Cà Mau, Trà Vinh nổi tiếng khắp thị trường cả nước, đa dạng các mẫu mã, sản phẩm, cách thức chế biến. Sản phẩm tôm khô rất khó cạnh trạnh; trong khi đó dòng tôm thẻ chân trắng lại ít được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy để phát huy tiềm năng và thế mạnh của sản phẩm; Ban chủ nhiệm HTX luôn trăn trở việc vận dụng những cách làm truyền thống kết hợp với thị hiếu của người tiêu dùng vừa an toàn, tiện lợi. Đồng thời, tận dụng nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động tại địa phương để có được sản phẩm vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo thị hiếu người tiêu dùng.
Nét đặc trưng của Tôm khô Hiểu Phát tuy không phơi dưới ánh nắng trực tiếp như cách làm truyền thống mà nó sẽ kết hợp giữa phơi nắng và sấy khô để có được thành phẩm nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như mùi vị, màu sắc đặc trưng của tôm khô. Tôm khô Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi theo quản canh cải tiến. Sau khi thành phẩm, tôm khô có vị dai, ngọt tự nhiên mang theo mùi hương của than trong quá trình sấy - đó là một nét đặc trưng của tôm khô Hiểu Phát.
Có thể nói sản phẩm của hợp tác xã ra đời là sản phẩm tất yếu của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận; nhất là sản phẩm tôm khô, mắm tôm, mắm cá lóc, khô cá kèo, kho cá lóc xuất phát từ mô hình độc canh cây lúa sang một vụ lúa 1 vụ tôm, tôm xen lúa và những vùng chuyên tôm được hình thành. đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của Hợp tác xã Hiểu Phát. Năm 2023 đã tiêu thụ giúp người dân 150 tấn tôm thẻ, 5 tấn cá lóc, 5 tấn cá kèo. Tổng doanh thu năm 2023 là 4 tỉ đồng, lợi nhuận là 450 triệu đồng.
Qua quá trình vừa sản xuất vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất, Hiểu Phát đã chọn cho mình một hướng đi riêng, sản phẩm của hợp tác xã không đơn thuần chỉ là sản phẩm kinh doanh, là mô hình từ phong trào khởi nghiệp mà còn là sự kết hợp các nguồn nguyên liệu tại địa phương với mong muốn tạo ra hệ cân bằng sinh thái khi giá trị con tôm ngày càng được người dân chú trọng; giá trị một số loài cá thuần của địa phượng ít được quan tâm nuôi thả; giá trị của mắm lóc Vĩnh Thuận nổi tiếng nhưng thời gian gần đây số hộ làm mắm trên địa bàn cũng ít dần…
Hợp tác xã Hiểu Phát đã có cơ hội tham gia các thị trường Hà Nội, Huế, Đà nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… Đến nay tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát là đơn vị duy nhất của huyện Vĩnh thuận có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (tôm khô, mắm tôm, mắm lóc, khô cá lóc, khô cá kèo); danh dự được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.
Với những kết quả đạt được, Hợp tác xã Hiểu Phát đang hoàn thành dự án sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, nhất là nguồn vốn để xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, hỗ trợ bao tiêu nguồn nguyên liệu cho nông dân tại địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiếp tục mở rộng thị trường phân phối truyền thống kết hợp với quảng bá sản phẩm qua hội chợ thương mại, xúc tiến thương mại… Phấn đấu đến năm 2024 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và giao dịch thành công trên các sàn thương mại điện tử. Tham gia các sự kiện sản phẩm đặc trưng của địa phương, các chương trình sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trung vùng miền và sản phẩm du lịch sinh thái…
Diễm Trang