Năm 2023 dự án triển khai tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc là Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái và Bắc Kạn. Trong đó tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái dự án đã lựa chọn lúa nếp Tan Tú Lệ - một trong 11 sản phẩm OCOP 4 sao của huyện để xây dựng mô hình sản xuất và phục vụ phát triển OCOP của tỉnh.

Năm 2023, dự án đã triển khai thành công 20 ha mô hình sản xuất giống nếp tan Tú Lệ, với 100 hộ nông dân tham gia. Các hộ dân tham gia xây dựng mô hình được dự án hỗ trợ 70% giống, được tập huấn kỹ thuật trước mùa vụ gieo trồng về quy trình sản xuất lúa nếp tan Tú Lệ theo hướng an toàn dựa trên những nguyên tắc cơ bản của SRI (cấy mạ non; cấy một dảnh, cấy thưa; quản lý nước; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ) và quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM.

Sau khi được tập huấn, 100% bà con đã áp dụng vào mô hình sản xuất lúa nếp tan Tú Lệ giúp giảm chi phí đầu tư so với sản xuất đại trà: do cấy mạ non (2,0 - 2,5 lá), cấy 1-2 dảnh/khóm và cấy thưa (25 - 30 khóm/m2) giúp tiết kiệm lượng giống 25%; giảm 11,8% lượng đạm bón; giảm thuốc trừ cỏ và thuốc BVTV 1,5 lần và tiết kiệm lượng nước tưới do áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen khẽ.

Tại hội nghị thăm quan và hội nghị sơ kết mô hình đã đánh giá, kết quả giống lúa nếp tan Tú Lệ trong mô hình cho năng suất thực thu cao, đạt 53,6 tạ/ha, cao hơn nếp tan Tú Lệ ngoài mô hình 7,4 tạ/ha, cho lợi nhuận cao hơn 11,83 triệu đồng/ha (tăng 22,35%), đảm bảo yêu cầu vượt > 15% so với mục tiêu ban đầu của dự án.

leftcenterrightdel
 Hội nghị sơ kết đánh giá mô hình sản xuất lúa nếp tan Tú Lệ theo hướng an toàn vụ mùa năm 2023

 Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến các giống lúa nếp tan Tú Lệ đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đến với đông đảo người dân sản xuất tại địa phương, dự án cũng tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình cho 30 lượt nông dân sản xuất nếp tan Tú Lệ tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn về quy trình sản xuất lúa nếp tan Tú Lệ theo hướng an toàn, phương pháp theo dõi, ghi chép nhật ký thực hiện mô hình, hạch toán sản xuất, hướng dẫn an toàn lao động và phương pháp quản lý sử dụng thuốc BVTV... Sau tập huấn có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của mỗi học viên tham gia lớp học trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất tại địa phương.

Năm 2023 với vai trò là cầu nối giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ và người dân sản xuất nếp tan Tú Lệ, dự án đã xây dựng và biên soạn quy chế hoạt động cho mô hình liên kết. Quy chế đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc xây dựng mô hình liên kết. Theo đó, các hộ nông dân sản xuất lúa nếp tan Tú Lệ  phải tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của dự án, ký hợp đồng sản xuất và bán lúa cho các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ. HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ đóng vai trò tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm của người dân (có hợp đồng), đóng gói, dán nhãn và phát triển thị trường cho sản phẩm nếp tan Tú Lệ đã đạt OCOP 4 sao. Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cung cấp các dịch vụ (hỗ trợ 70% giống cho bà con tham gia mô hình dự án theo đúng quy định của dự án), chuyển giao và tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng an toàn cho người sản xuất. Viện cũng đã hỗ trợ 5.500 bao bì sản phẩm cho HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ để phát triển thị trường. Phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn đóng vai trò trọng tài đảm bảo việc thực hiện đúng các cam kết của 100 hộ gia đình sản xuất lúa nếp tan Tú Lệ trong mô hình và HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ trong việc thu mua sản phẩm. Qua đánh giá cho thấy sự kết nối giữa nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp/Hợp tác xã và người sản xuất được, thể hiện rõ ở kết quả mô hình: có 72,1 tấn lúa nếp tan Tú Lệ đã được thu mua thông qua hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đã được ký kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ với người sản xuất, chiếm 67% tổng sản lượng mô hình với giá thu mua là 20.000 đồng/kg và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trên cơ sở kết quả năm 2023 đã đạt được, năm 2024 dự án tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tạo thêm vùng nguyên liệu lúa nếp tan Tú Lệ, nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực, vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ trong tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm, ổn định sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến phát triển bền vững sản xuất lúa gạo nếp tan Tú Lệ cho huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

leftcenterrightdel

Người dân xã Tú Lệ vui mừng khi lúa được mùa, được giá

Bùi Thị Chuyên

Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc