Diễn đàn thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ 6 tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Cần Thơ và Cà Mau. Trong đó có 140 đại biểu nông dân, đại diện phóng viên của 09 đơn vị thông tấn báo chí.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Tại diễn đàn, bà con ngư dân đã được xem 01 video về tổng quan tình hình nuôi thủy sản tại An Giang, được các chuyên gia giải đáp 38 câu hỏi với nội dung: kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cá tra, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, thị trường và cơ chế chính sách, chất lượng con giống trong nuôi thủy sản…

Đồng thời, các đại biểu được xem trực tiếp TS. Lý Thị Thanh Loan, nguyên giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II giải phẫu, phân tích bệnh trên cá tra và lươn. TS Loan đã giải đáp một số vướng mắc, khó khăn của bà con ngư dân khi nhận biết, phòng, trị bệnh trong nuôi lươn và cá tra.

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan mô hình sản xuất giống cá lóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại hộ ông Nguyễn Trung An ở ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang. Mô hình thuộc Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý. Với quy mô 4000 m2, 100 hộc, mỗi hộc có diện tích 3x 4 x 1,2 (m); sản lượng hộ thu được khoảng 4 tấn cá lóc giống/năm. Giá bán bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, chủ mô hình thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG tổng kết Diễn đàn

 

Tổng kết Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG đưa ra 05 bài học kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản như sau:

Thứ nhất, thiết kế ao nuôi đồng bộ theo công nghệ nuôi;

Thứ hai, lựa chọn con giống chất lượng ở cơ sở có uy tín, kiểm dịch trước khi mua;

Thứ ba, duy trì và tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi;

Thứ tư, duy trì và phát triển hệ vi sinh vật có lợi, sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả vật nuôi;

Thứ năm, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, thực hiện phòng hơn chống, như bổ sung vitamin C, tỏi tươi, thảo dược khác; quản lý thức ăn, môi trường nuôi tốt…

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất giống cá lóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại hộ ông Nguyễn Trung An

 

Đồng thời, ông Kim Văn Tiêu cũng lưu ý ngư dân nuôi cá công nghệ cao cần thực hiện tốt 03 không: không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp và không xả thải ra môi trường; Khuyến khích ngư dân nên sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản giúp vật nuôi kích thích tiêu hóa, tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tăng chất lượng sản phẩm…

Để ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, ông Kim Văn Tiêu đề nghị:

- Đối với các cơ quan quản lý cần tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học, tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi, an toàn dịch bệnh, thân thiện môi trường; Xây dựng mô hình công nghệ cao, an toàn thực phẩm, theo hướng hữu cơ.

- Đối với cơ quan nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu con giống sạch bệnh, kháng bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu; tiến bộ kỹ thuật mới để chuyển giao cho bà con nông dân;

- Đối với Trung tâm khuyến nông/TTDVNN các tỉnh, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã cần tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội,... tổ chức đào tạo cho nông dân theo hướng cầm tay chỉ việc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

- Đối với bà con nông dân, ông chia sẻ 05 bài học làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, đó là: tham quan trước khi làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới; làm từ nhỏ đến lớn; ghi chép sổ sách nhật ký, rút kinh nghiệm cho vụ sau; chủ động, sáng tạo, có khát vọng làm giàu.  

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

 

TS. Lý Thị Thanh Loan hướng dẫn cách nhận biết bệnh trên cá tra/lươn

 

Nông dân đặt câu hỏi tại diễn đàn về kỹ thuật nuôi cá tra 

 

Góc mô hình nuôi cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP của hộ ông Nguyễn Trung An ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang cho lợi nhuận 200 triệu/năm

 

Tuyết Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia