Ban chủ tọa Diễn đàn

 

Xin trích dẫn lại câu: “Hãy là người làm vườn thân thiện với khí hậu” được PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhấn mạnh thành tiêu đề bài viết của mình cách đây hơn năm và nay được ông nhắc lại đầy tâm huyết tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế VAC” diễn ra sáng ngày 12/11/2021.

Đây là khẩu hiệu được Hội Làm vườn của nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đưa ra để định hướng cho người làm vườn thực hiện thông qua hành động thực tiễn của mình trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu hiện nay. Người làm vườn thân thiện với khí hậu lựa chọn và thực hành các kỹ thuật làm vườn không những chỉ thích ứng một cách thông minh với BĐKH mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài việc có nhận thức đúng về BĐKH người làm vườn cần có hiểu biết và ứng dụng tốt các kỹ thuật cơ bản gồm: giảm thiểu phân bón và thuốc BVTV hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học; che phủ đất vườn bằng xác thực vật hoặc trồng cây che phủ đất; quản lý tốt nguồn nước và tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nước tưới; lựa chọn giống cây trồng phù hợp có khả năng thích ứng tốt; bảo tồn đa dạng sinh học trong vườn (Nguyễn Xuân Hồng, 2020).

Diễn đàn thu hút hơn 180 đại biểu là bà con nông dân, doanh nghiệp, nhiều Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn của các tỉnh/thành trên cả nước. Nhiều cơ quan báo đài Trung ương và địa phương đến đưa tin về Diễn đàn. 

Toàn cảnh Diễn đàn tại đầu cầu Hải Phòng

 

Toàn cảnh Diễn đàn tại đầu cầu Bắc Giang

 

Theo kết quả thống kê sơ bộ, hiện nay lĩnh vực kinh tế VAC (Vườn - Ao - Chuồng) của hộ gia đình, trang trại quy mô nhỏ và vừa của các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (không bao gồm các trang trại quy mô lớn của các doanh nghiệp) chiếm trên 90% sản lượng rau, trên 80% sản lượng quả các loại, trên 70% sản lượng thịt, trứng và sản lượng nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực kinh tế VAC cũng đóng góp trên 65% sản lượng xuất khẩu rau, quả, thủy sản của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân với hàng chục triệu lao động khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ chế chính sách quan trọng đã được ban hành, triển khai kịp thời và thường xuyên cập nhật, hoàn thiện, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng rất hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kinh tế VAC nói chung và kinh tế vườn nói riêng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: phần lớn quy mô VAC còn nhỏ lẻ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn phức tạp mang tính tự cấp tự túc; việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến chưa mạnh và chưa đồng bộ, nhất là khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn rất yếu nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp, lòng tin của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm chưa tốt; người sản xuất không chỉ thiếu vốn đấu tư mà thiếu cả kiến thức khoa học kỹ thuật, thị trường và kỹ năng hợp tác, liên kết, nhiều cơ chế trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đồng bộ và chưa sát thực tế nên tính khả thi thấp...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó, đồng thời khai thác tốt các tiềm năng lợi thế và kinh nghiệm phát triển trong thời gian qua, tận dụng các thời cơ sắp tới để đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả cao, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế VAC” được diễn ra với điểm cầu chính tại Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội

 

Tại diễn đàn, các đại biểu tại các điểm cầu đã nghe các báo cáo và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế VAC như chủ trương, định hướng, các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu các tiến bộ khoa học công nghệ nổi bật phục vụ phát triển kinh tế VAC, các giải pháp và tư vấn các vấn đề về khoa học công nghệ, cơ chế chính sách… nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế VAC phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Ban Chủ tọa và Ban Cố vấn Diễn đàn cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu và bà con nông dân, đặc biệt nhấn mạnh mô hình VAC hiện đại (VAC 4.0). Đây là mô hình VAC kết hợp nguyên tắc của VAC truyền thống với công nghệ hiện đại trong kỹ thuật canh tác, quản lý trang trại, gắn với thị trường, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trang trại VAC hiện đại áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu tối đa chất thải. Mô hình VAC 4.0 phát triển tại vùng ngoại ô của các thành phố lớn đang là một hướng đi hiệu quả cao của nông nghiệp đô thị, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cùng đề xuất đưa ra các nhóm giải pháp đó là: Giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông và khuyến nông trong phát triển kinh tế vườn; Xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các đối tác với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người sản xuất; Giải pháp về tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KHCN; và Hãy là người làm vườn thân thiện với khí hậu nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế vườn và VAC tại Việt Nam./.

Ban cố vấn tại Diễn đàn

Đỗ Tuấn - Thanh Thủy

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia