Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm hùm tại đảo Trí Nguyên - TP Nha Trang

Nghề nuôi tôm hùm đã mang lại cho người nuôi nguồn thu nhập đáng kể và góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành thủy sản. Mặc dù cho giá trị kinh tế cao nhưng nghề nuôi tôm hùm đang đứng trước nhiều thách thức như: Quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa phù hợp và chưa theo kịp thực tiễn sản xuất; Vẫn chưa sản xuất được giống nhân tạo, người nuôi tôm hùm hiện nay chỉ dựa vào con giống khai thác tự nhiên hoặc nhập khẩu từ Phillippines và các nước khác nên không chủ động về con giống và khó kiểm soát chất lượng; Công nghệ nuôi theo truyền thống, quy mô nhỏ, thức ăn chủ yếu sử dụng cá tạp, cua sò nhỏ dễ gây ô nhiễm môi trường, không chủ động nguồn thức ăn nhất là mùa mưa bão, dễ gây bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như tôm sữa, đen mang, vi khuẩn...; Chưa có doanh nghiệp quan tâm đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, việc tiêu thụ chủ yếu qua thương lái thu gom nên bấp bênh về giá và không ổn định; Thị trường xuất khẩu chính ngạch chưa có mà chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa… Việc phát triển nuôi tôm hùm vì thế thiếu bền vững dẫn đến sản lượng thấp, không đều.

Trước thực trạng đó, ngày 13/04/2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao và bền vững tại các tỉnh miền Trung” nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn cho người nuôi tôm.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có 220 đại biểu gồm các nhà quản lý, các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và 140 nông dân. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương đến tham dự.

Tại Diễn đàn, bà con nuôi tôm đã trao đổi nhiều vấn đề, trong đó vấn đề mà bà con nông dân quan tâm nhất là quy hoạch vùng nuôi tôm, quản lý dịch bệnh, con giống và quản lý môi trường nuôi. Ban cố vấn đã trả lời 38 câu hỏi của nông dân một cách thấu đáo, giúp bà con yên tâm đầu tư ổn định lâu dài.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha – Giám đốc Trung tâm Quan trắc MT và Bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III), hiện bệnh trên tôm hùm hết sức phức tạp, nhất là bệnh sữa trên tôm. Trước tình hình bệnh sữa lây lan, khó kiểm soát và chưa có nhiều biện pháp ngăn ngừa hiệu quả như hiện nay thì bà con cần áp dụng một số giải pháp phòng ngừa như: chọn vị trí nuôi phù hợp, kiểm tra các tác nhân sinh học ở con giống trước khi thả nuôi, rửa sạch và sát trùng thức ăn bằng thuốc tím, tách kịp thời tôm mang mầm bệnh với tôm khỏe và tránh làm sây sát tôm hùm trong quá trình nuôi. Ngoài ra, vào mùa nắng nóng người nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho tôm, theo dõi chặt chẽ tôm nuôi; số lượng lồng bè; các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán tôm hùm giống, thương phẩm và thức ăn tươi sống tại địa phương.

PGS.TS Võ Văn Nha tư vấn cách nhận biết một số bệnh trên tôm hùm tại Diễn đàn

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất một số nội dung nhằm thúc đẩy ngành nuôi tôm hùm từng bước phát triển theo hướng bền vững như sau:

- Đối với Tổng cục Thủy sản: Đề nghị tăng cường công tác quản lý đặc biệt về con giống; Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm trong hệ thống bể trên bờ tái sử dụng nước, sớm có kết quả để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhân rộng mô hình.

- Đối với chi cục thủy sản các tỉnh: Tăng cường công tác quản lý về giống, môi trường nuôi, quản lý quy hoạch vùng nuôi, quản lý chất lượng giống, quản lý dịch bệnh…

- Đối với các viện, trường: Tiếp tục nghiên cứu sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, các hình thức nuôi khác nhau, so sánh hiệu quả của các hình thức nuôi nhằm định hướng cho bà con nông dân đầu tư phù hợp, hiệu quả.

- Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh: Thường xuyên tổ chức cho bà con nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi tôm hùm hiệu quả, an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật nâng cao năng lực cho người nuôi tôm hùm tại địa phương.

- Các cơ quan truyền thông: Phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất cũng như thực trạng khó khăn của bà con nuôi tôm hùm hiện nay, làm tiền đề để các nhà quản lý đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của người nuôi tôm hùm và từng bước thúc đẩy ngành nuôi tôm hùm phát triển theo hướng phù hợp với từng địa phương.

- Đối với bà con nuôi tôm: Cần chủ động, sáng tạo trong việc tìm hiểu, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý; Thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật; Kiểm soát tốt dịch bệnh, nghiêm túc thực hiện phòng bệnh tổng hợp, vệ sinh môi trường nuôi, ghi chép sổ nhật kí, liên kết sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và từng bước chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đỗ Tuấn - Thúy Vân

Xem video về Diễn đàn tại đây

Xem video về Diễn đàn trên chương trình Thời sự VTV1 tại đây