Báo cáo tại Diễn đàn cho biết, Việt Nam có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển; Diện tích tiềm năng phát triển nuôi biển khoảng 500.000 ha, sản lượng nuôi biển có thể đạt 2 triệu tấn/năm. Năm 2019, tổng diện tích nuôi biển đạt 57.000 ha và 4,5 triệu m3 lồng nuôi; Sản lượng đạt 470.000 tấn. Năm 2020, diện tích nuôi biển ước đạt 70.000 ha và 5 triệu m3 lồng nuôi; Sản lượng khoảng 600.000 tấn.

Cả nước hiện có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển; trong đó, số cơ sở nuôi biển vùng bờ đến 3 hải lý là 6.506 cơ sở. Một số tỉnh có nghề nuôi biển phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Kiên Giang…

Là tỉnh có vùng vịnh kín gió, khá an toàn do được che chắn, giảm thiểu rủi ro khi mưa bão, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng bãi triều, cửa sông ven biển; Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản ven biển, ven đảo của Kiên Giang phát triển rất mạnh, chủ yếu là nghề nuôi cá lồng ở Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên. Đối tượng nuôi lồng bè của ngư dân Kiên Giang phổ biến là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng; Trong đó đối tượng bóp, cá mú được xem là một trong những đối tượng được nuôi phổ biến nhất. Dự kiến, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.500 lồng nuôi cá biển với sản lượng thu hoạch đạt 4.300 tấn, mang lại giá trị kinh tế cao cho hộ nuôi.

Mặc dù thời gian qua, nghề nuôi biển tại nước ta đã có những bước phát triển đáng kể theo hướng hàng hóa với quy mô công nghiệp nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bởi phần lớn các cơ sở nuôi cá lồng bè trên biển ở quy mô nhỏ, áp dụng công nghệ truyền thống, kết cấu lồng bè khá thô sơ (bè gỗ, phao nổi bằng thùng nhựa, lồng lưới có chất liệu nhựa kích cỡ nhỏ...) nên dễ bị ảnh hưởng bởi sóng to gió lớn. Công nghệ nuôi lồng công nghiệp đã được ứng dụng thành công trong nuôi cá chẽm và cá chim vây vàng nhưng chi phí đầu tư tương đối cao do nguyên liệu làm lồng, thiết bị phụ trợ chủ yếu nhập từ nước ngoài. Kỹ thuật nuôi của ngư dân khá đơn giản, nguồn giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên và thức ăn chủ yếu là cá tạp nên dễ bị dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, bấp bênh. Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu…

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: "Giải pháp nuôi cá lồng bè trên biển đạt hiệu quả cao và bền vững" được tổ chức nhằm tìm tìm ra giải pháp phát triển nghề hiệu quả, bền vững thông qua sự trao đổi thông tin giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân nuôi cá biển. Diễn đàn có sự tham dự của 175 đại biểu, trong đó 120 đại biểu là nông dân của 4 tỉnh: Ninh Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau.

Ban cố vấn trả lời câu hỏi của bà con nông dân tại Diễn đàn

 

Chuyên gia trao đổi và chia sẻ với nông dân cách nhận biết và phòng trị cá nuôi bị bệnh

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận một số nội dung như: Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nghề nuôi cá lồng biển; Kiểm soát chất lượng cá giống, địa chỉ cung cấp cá giống chất lượng; Giải pháp kỹ thuật quản lý lồng nuôi (lựa chọn vị trí đặt lồng nuôi, quản lý lồng nuôi để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa…); Chăm sóc cá nuôi (nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng cá nuôi chậm lớn, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá, sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá biển…); Biện pháp kiểm tra hàm lượng hữu cơ và mức độ ô nhiễm nước trong khu vực lồng bè nuôi cá, biện pháp xử lý nước tại bè nuôi…

Nông dân nuôi cá biển trao đổi tại Diễn đàn

 

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã có dịp đến thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của hộ ông Nguyễn Đức Minh tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, các đại biểu đã được chủ hộ chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng hiệu quả.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của hộ ông Nguyễn Đức Minh

 

Xuân Trường