Lễ bàn giao thức ăn chăn nuôi mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 5505/QĐ-BNN-KHCN ngày 30 tháng 12 năm 2016, được thực hiện trong 3 năm (2017 – 2019) với quy mô 2.629 con bò cái nền được thụ tinh nhân tạo (TTNT).

Hiện nay, TTNT bò bằng tinh đông lạnh dạng cọng rạ là một biện pháp kỹ thuật quan trọng để đẩy nhanh tiến bộ di truyền đối với phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa của nước ta, là tiền đề để nâng cao chất lượng bộ giống của quốc gia. TTNT có những ưu điểm chính là tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, sữa; khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng; tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm trực tiếp qua đường phối giống tự nhiên. TTNT còn giúp công tác quản lý Nhà nước về con giống thống nhất được trên phạm vi toàn quốc, khỏa lấp những hạn chế về không gian, thời gian do tinh đông lạnh có thể bảo quản trong thời gian dài.

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty cổ phần giống gia súc Thanh Ninh đã triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT  với quy mô 170 con bò cái nền được phối chửa bằng tinh bò đực thuộc nhóm Zebu và BBB.

Ngày 7/6/2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tham dự Lễ bàn giao thức ăn chăn nuôi cho mô hình dự án tại phường Bắc Sơn - thị xã Bỉm Sơn - tỉnh Thanh Hóa. Đây là xã miền núi có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò như có quy mô đàn bò sinh sản lớn, có đất đai rộng để trồng cỏ…

Các hộ được lựa chọn tham gia mô hình đều có kinh nghiệm chăn nuôi đại gia súc, có bò cái nền trong độ tuổi sinh sản, có đất để trồng cỏ, có nguồn nhân lực, có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật để sẵn sàng thực hiện mô hình dự án. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi chủ yếu thả rông nên việc phát hiện động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp còn hạn chế nên năng suất sinh sản thấp. Mặt khác, người dân nơi đây vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp phối giống cho bò bằng nhảy trực tiếp nên tỷ lệ bò lai thấp.

Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia