Ngày 1/6/2021, Bộ NN&PTNT đã có Thông báo số 3253/TB-BNN-VP về kết luận của Thứ trưởng. Nội dung Thông báo như sau:

Ngày 26 và 27 tháng 5 năm 2021, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã chủ trì buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về định hướng triển khai các các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Vụ: Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổ chức cán bộ, Tài chính, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận như sau:

1. Giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ về định hướng triển khai các dự án khuyến nông trung ương trong thời gian tới; theo đó, các nội dung cần bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021, trong đó làm rõ một số nội dung sau:

a) Về xác định lĩnh vực ưu tiên: Bên cạnh các lĩnh vực chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp trong Chương trình khuyến nông trung ương giai đoạn 2020-2025, cần nghiên cứu, xây dựng các mô hình khuyến nông trung ương theo hướng tập trung, đồng bộ, tích hợp đa giá trị, gắn với chuỗi giá trị ngành hàng, tập trung vào một số lĩnh vực sau:

- Phát triển vùng nguyên liệu NLTS chủ lực đảm bảo chất lượng, gắn với chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ.

- Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở chế biến vừa và nhỏ.

- Gắn với Chương trình phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Gắn với nội dung triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đề án nâng cao giá trị sản phẩm muối của Việt Nam.

- Phát triển kinh tế, dịch vụ ở nông thôn, gắn kết với nội dung triển khai đề án phát triển ngành nghề nông thôn, đề án bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2030, chương trình OCOP, chương trình phát triển du lịch nông nghiệp.

b) Về đối tượng chủ trì các dự án khuyến nông

Cần rà soát, xác định tiêu chí đánh giá, lựa chọn, cơ cấu hợp lý giữa các đối tượng chủ trì các dự án khuyến nông theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, huy động vốn đối ứng từ các cơ quan, tổ chức để đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, lan tỏa của các dự án khuyến nông trung ương.

c) Về tiêu chí, đánh giá hồ sơ dự án khuyến nông trung ương

Ngoài các tiêu chí và thang điểm đánh giá được quy định tại khoản 2, điều 18, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, cần nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí đánh giá đảm bảo tính hiệu quả đầu ra của các dự án khuyến nông trung ương; trong có lưu ý một số nội dung sau:

- Đảm bảo gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình tổ chức hợp tác của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại).

- Đảm bảo liên kết theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ bền vững đối với các sản phẩm, dịch vụ của dự án.

- Đảm bảo nâng giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ sau khi triển khai dự án; nâng cao thu nhập của các chủ thể tham gia dự án.

- Đảm bảo các điều kiện và quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

d) Yêu cầu đối với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao trong dự án khuyến nông trung ương

Ngoài các tiêu chí quy định tại khoản 2, điều 13, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao trong dự án khuyến nông trung ương phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nhu cầu thực tiễn về sản xuất của từng vùng miền và phù hợp nhu cầu và năng lực của đối tượng nhận chuyển giao, đảm bảo tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ thông qua chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật sản xuất.

2. Giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu tham mưu Bộ văn bản hướng dẫn quy trình công nhận, chấp thuận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao được thực hiện trong các dự án khuyến nông trung ương, đảm bảo gắn với hiệu quả thực tế của doanh nghiệp và chấp thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương.

3. Giao Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm tổ kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp cấp xã dựa trên hệ thống khuyến nông cơ sở với các chức năng chính: Hướng dẫn, tư vấn về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất NLTS và diêm nghiệp; thành lập và phát triển hợp tác xã nông nghiệp; thông tin, tư vấn về thị trường, giá cả nông sản; hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo Bộ trong tháng 6/2021.

4. Giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT xây dựng dự thảo Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025; trong đó, cần làm rõ nội dung và giải pháp cho từng nhóm đối tượng đào tạo nghề: Hệ trung cấp, đại học; đào tào nghề cấp chứng chỉ; đào tạo nghề chuyên sâu theo từng chuyên đề về chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

5. Giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Cục Chế biến và PTTTNS nghiên cứu xây dựng tài liệu tập huấn về: Khuyến diêm, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao năng lực chế biến, an toàn thực phẩm, an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp.

6. Giao Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Vụ Tổ chức cán bộ, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành nghiên cứu xây dựng chương trình nâng cao năng lực cán bộ hợp tác xã, cán bộ khuyến nông đi học tập trong nước và nước ngoài, báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo Bộ.