Với nhiều năm nuôi heo theo cách truyền thống, dù đã sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Năm 2018, gia đình chị Loan được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn tham gia mô hình nuôi heo rừng lai theo hướng công nghệ sinh học; được khuyến nông hỗ trợ 10 con heo giống có trọng lượng 15kg/con. Sau 6 tháng nuôi, chị bán ra thị trường 400kg heo thịt, trừ hết chi phí, chị thu lãi 8 triệu đồng.

Để thực hiện mô hình thành công, theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chị cải tạo 20 m2 chuồng cũ thành hai ô, mỗi ô chuồng 10m2, có vách ngăn bằng xi măng, cao 0,8m, quây lưới B40, lợp mái che cao 2,5m. Bên trong mỗi ô chuồng trải lớp đệm cao 60cm gồm 90% trấu và 10% mùn cưa, dùng 2 kg men Balasa No1 đã ủ qua đêm, cùng10kg cám ngô hòa nước, trộn đều, tưới lên lớp đệm lót, đảo đều, sau đó ủ trong 10 ngày rồi thả heo giống vào nuôi.

Theo cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình, để lớp đệm sinh học có hiệu quả cao trong việc xử lý chất thải, thì chuồng trại luôn thoáng mát, tầng trên cùng luôn giữ độ ẩm ở 20% (nắm trên tay có cảm giác trấu và mùn cưa thấm đều nước) để đảm bảo sự lên men, tiêu hủy phân tốt. Nếu thấy đệm mỏng thì cần bổ sung thêm trấu, giữ đệm luôn tơi xốp, xới trộn đệm lót, đặc biệt là ở những chỗ có kết tảng, quan sát những chỗ phân nhiều thì cần san đều, vùi lấp ngay. Khi các vi sinh vật hoạt động hiệu quả là đệm lót không có mùi hôi, ngược lại cần bổ sung thêm men vào đảo đều.

Chị Lê Thị Cẩm Loan đang chăm sóc đàn heo rừng lai

Qua thời gian tham gia mô hình, chị Loan chia sẻ, heo rừng lai F1 là loài động vật bán hoang dã, thịt của chúng nhiều nạc ít mỡ, có da dày nhưng rất giòn. Khi đưa vào nuôi nhốt, thức ăn của chúng chủ yếu là những phụ phẩm có sẵn, dễ kiếm ở địa phương như rau muống, chuối cây, lục bình, hèm bia, bã đậu,… kết hợp thêm 30% cám ngô. Tính ra chi phí thức ăn chăn nuôi thấp mà sản phẩm thịt heo lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi thân thiện môi trường, chi phí đầu tư xây dựng chuồng thấp do không phải tráng nền, tiết kiệm được công chăm sóc, giảm tỷ lệ bệnh thường gặp trong chăn nuôi, thức ăn chủ yếu là các phụ phế phẩm rẻ tiền, chỉ cần bổ sung thêm men vi sinh là đệm lót có thể tái sử dụng; ngoài ra sau hai đợt nuôi, các giá thể làm đệm có thể ủ hoai làm phân bón cho cây trồng; chị Loan đã quyết định mở rộng quy mô nuôi heo rừng lai lên 10 ô chuồng. “Đàn heo đang nuôi có nhiều cỡ, được thả nuôi quay vòng, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh khoảng 2 tấn thịt, với giá bán trung bình khoảng 70.000đồng/kg hơi’, chị Loan chia sẻ thêm.

Theo anh Trương Công Danh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố Bà Rịa, đệm lót sử dụng hệ vi sinh vật được phân lập bao gồm các chủng vi sinh vật có lợi đưa vào giá thể, khi vi sinh vật phát triển tạo ra môi trường phân hủy chất thải của vật nuôi. Đây là một trong những công nghệ sinh học tiên tiến được áp dụng trong chăn nuôi, trong đó chúng tôi đã áp dụng thành công vào mô hình nuôi heo rừng lai.

Trọng Hoàng

TT Khuyến nông Bà Rịa – Vũng Tàu