Với tổng diện tích 2 ha đất sình, ông Lâm đã luân canh tăng vụ để không bỏ trống đất. Đặc điểm chế độ nước của huyện Tuy Đức thường không đều trong năm, không chủ động được nguồn nước, đa phần vào mùa khô cạn kiệt, mùa mưa thì ngập úng vì thế việc sản xuất nông nghiệp phải bố trí cây, con thích ứng với điều kiện thời tiết này. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau. Những năm trước, thời gian này, ông Lâm chỉ trồng một vụ khoai lang hoặc bí đỏ, hiệu quả kinh tế thấp, đất thì bỏ hoang, cỏ dại mọc nhiều nên đến vụ sau mất nhiều công dọn dẹp. Sau đó, ông có ý tưởng trồng hoa màu và nuôi cá trên vùng đất đó. Tận dụng thời điểm mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10, ông đắp bờ, rắc vôi cải tạo và cấp nước để thả cá.

Ông Lâm cho cá ăn vào mỗi buổi sáng

Với diện tích 2 ha, ông chia làm 3 ao. Ban đầu, ông nuôi những đối tượng cá truyền thống tại địa phương như trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, chép…; với hình thức nuôi ghép hỗn hợp nhiều loài cá trong một ao, mật độ thả nuôi trung bình 2 con/m2; sử dụng một phần thức ăn công nghiệp và phụ phẩm nông nghiệp như ngô, bí, khoai lang nấu chín làm thức ăn cho cá. Theo ông Lâm, tốc độ phát triển của cá rất nhanh, cá trắm cỏ mới nuôi được 4 tháng đạt trọng lượng trung bình 0,7kg/con; cá diêu hồng, chép, cá rô phi trọng lượng 0,3 kg/con.

Sau đó, ông thử nghiệm nuôi cá vược trong môi trường nước ngọt. Cá vược được nuôi riêng một ao bằng thức ăn công nghiệp. Do đối tượng này cần phải có thức ăn tươi sống mới phát triển mạnh nên ông đã thả cá rô phi suối để có nguồn thức ăn tươi sống cho cá vược. Ông Lâm cho biết, cá vược nuôi trong môi trường nước ngọt lớn rất nhanh, hiện nay đạt trung bình 300 g/con.

Do biết tính toán nguồn thức ăn phù hợp cho cá nên cá lớn nhanh, đồng thời tiết kiệm được chi phí thức ăn. Công tác chuẩn bị ao cũng tiết kiệm được một phần chi phí do trồng luân canh với một vụ hoa màu nên đất đã được thuần hóa. Sau vụ cá này là đến mùa khô, ông sẽ tiếp tục trồng khoai lang vào tháng 4 năm sau.

Mô hình luân canh cá và hoa màu của ông Trần Văn Lâm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và được nhiều người học tập làm theo. Hiệu quả kinh tế của mô hình là rõ rệt. Trước đây, ông chỉ trồng 1 vụ hoa màu, thời gian còn lại bỏ hoang, với phương pháp luân canh như hiện nay, nguồn thu nhập tăng lên gấp 2-3 lần so với trước.

Theo hạch toán kinh tế của ông Lâm: Trồng khoai lang thu hoạch được khoảng 15 tấn/vụ. Với giá bán trung bình 7.000 đồng/kg, ông thu được 105 triệu đồng. Chi phí mỗi vụ trồng khoai là 60 triệu đồng, lợi nhuận thu về 45 triệu đồng.

Về phần nuôi cá, tổng số lượng cá thả là 22.100 con, đến khi thu hoạch với tỷ lệ sống 70%, trọng lượng trung bình của các loài cá là 0,5 kg/con, sản lượng cá thu hoạch khoảng 7,7 tấn, giá bán cá trung bình là 40.000 đồng/kg, ông thu được 308 triệu đồng. Với chi phí mua giống 40 triệu đồng, chi phí thức ăn công nghiệp 65 triệu đồng, công chăm sóc 1 người trong 1 vụ là 18 triệu đồng, tổng chi phí là 123 triệu đồng, lợi nhuận thu được sẽ là 185 triệu đồng. Tổng lợi nhuận 1 năm của gia đình ông từ mô hình luân canh trồng khoai và nuôi cá là 230 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá lớn với những người nông dân nghèo.

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân luôn phải thích ứng với điều kiện tự nhiên, khắc phục khó khăn để vươn lên làm giàu. Tuy vậy, rất ít người nông dân sẵn sàng học hỏi kiến thức và áp dụng kiến thức để tổ chức sản xuất bài bản quy mô như gia đình ông Lâm. Nhiều nông dân được tham gia tập huấn nhưng thường không ứng dụng kiến thức vào sản xuất, vì thế mà có nhiều hộ tuy đất đai rộng lớn nhưng vẫn nghèo vì chưa có cách làm ăn hợp lý. Thông qua mô hình giúp bà con thấy được tầm quan trọng của việc luân canh cây, con hợp lý sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trịnh Đình Thâng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông