Với diện tích gần 02 ha, trong đó 01 ha diện tích tiêu trồng thuần với 1.300 trụ, 0,7 ha tiêu xen vườn cà phê và hơn 2 sào thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch. Tất cả đều được anh Hoàng chăm sóc vườn cây bằng chế phẩm sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học và tuyệt đối không dùng thuốc cỏ, thuốc bảo vệ thực vật phòng chữa bệnh cho cây trồng trong vườn.

Vượt qua dịch bệnh trên cây trồng

Vườn tiêu của gia đình anh Hoàng trồng từ năm 2014, khi thị trường tiêu đang có giá rất cao 200.000 - 220.000 đồng/kg. Giống tiêu anh trồng là giống tiêu Vĩnh Linh với giá lúc đó lên đến 27.000 đồng/dây, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Nhưng sau hơn một năm trồng và chăm sóc, vườn tiêu của gia đình anh xuất hiện bệnh chết nhanh chết chậm. Thời điểm đó, việc sản xuất nông nghiệp lạm dụng quá nhiều hóa chất, phân bón hóa học đã làm dịch bệnh phát triển tràn lan, đặc biệt là bệnh chết nhanh chết chậm là nỗi khiếp sợ của nhiều nhà nông trồng tiêu, khiến nhiều mảnh vườn mất trắng, nhiều nhà nông phá sản.

Sau một thời gian lấy lại tinh thần, anh Hoàng bắt tay vào công cuộc cứu lấy vườn tiêu của mình. Sau khi tìm hiểu, biết rằng trong chế phẩm sinh học EMINA có các loại vi sinh vật có lợi, giúp tăng sức đề kháng cho cây trồng, ngăn ngừa được sâu bệnh hại, cải tạo đất, đặc biệt với chế phẩm sinh học Emina-P® dành cho cây công nghiệp (tiêu, cà phê, sầu riêng…) giúp phòng và trị bệnh vàng lá thối rễ, chết nhanh chết chậm, các bệnh hại do nấm và vi khuẩn một cách rất hiệu quả… Anh quyết định thử nghiệm cho vườn tiêu của mình. Kết quả đã không làm anh thất vọng.

Anh cho biết, sau khi đưa chế phẩm sinh học vào sử dụng, vườn tiêu của anh bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Bộ rễ của cây phát triển, kích thích quá trình hút chất dinh dưỡng cho cây nên cây sinh trưởng tốt. Tỉ lệ rụng hoa, rụng quả sinh lý giảm đáng kể. Những cành hoa tiêu ra cơi liên tục, chuỗi nhìn rất bắt mắt. Kể từ đó đến nay, anh đưa chế phẩm sinh học EMINA vào sử dụng. Bây giờ nhìn vườn tiêu của gia đình anh lúc nào cũng phát triển xanh tốt, không còn bị phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Hoàng chia sẻ, chỉ có chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học mới giúp vườn tiêu của gia đình anh phát triển bền vững, hạn chế được sâu bệnh hại, không còn xuất hiện bệnh chết nhanh chết chậm, các bệnh do nấm và vi khuẩn trên vườn.

Anh Hoàng bên vườn tiêu của mình

 

Không chỉ sử dụng chế phẩm sinh học trên diện tích tiêu trồng thuần, anh Hoàng còn sử dụng chế phẩm sinh học trên cây cà phê và thanh long ruột đỏ trong vườn. Các loại bệnh trên cây cà phê mà trước đây anh nhọc công chữa trị đã được đẩy lùi. Trên cây cà phê không còn xuất hiện dấu hiệu bệnh như lá bị đốm vàng, đốm nâu... Đặc biệt với bệnh rệp sáp tấn công cây cà phê, trước đây gia đình anh đã phải dùng hóa chất độc hại với nhiều lần phun. Đến khi sử dụng chế phẩm sinh học EMINA cho cây cà phê, căn bệnh này đã được đẩy lùi sau 2 lần phun, thêm nữa là chế phẩm sinh học này không có mùi khó chịu như mùi thuốc hóa học, không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường.

Đối với thanh long, anh Hoàng cho biết, người trồng thanh long ruột đỏ sợ nhất là bệnh nấm mắt cua. Tuy nhiên, sử dụng vi sinh EMINA đã khắc phục được các loại nấm gây hại này, đồng thời làm cây khỏe mạnh, kháng nhiều nấm bệnh khác (nấm đốm trắng, nấm bò hóng...), giúp việc làm nông trở nên dễ dàng hơn. Việc sử dụng vi sinh EMINA trên cây thanh long cũng rất đơn giản, khi trời mưa thì 7 ngày phun 1 lần phòng nấm bệnh, còn khi trời nắng thì định kỳ 15 ngày phun 1 lần. Vì thế, vườn thanh long của gia đình anh Hoàng chăm sóc bằng chế phẩm vi sinh EMINA, năng suất và chất lượng hơn hẳn các gia đình khác trên địa bàn xã Nam Hà.

Chủ động phân bón cho cây trồng

Ngoài việc phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, anh Hoàng còn tìm hiểu để kết hợp sử dụng đạm cá ủ bằng chế phẩm sinh học EMINA thay thế cho phân bón hóa học để chăm sóc cây. Từ đó, chi phí phân bón cho cây trồng giảm đáng kể, nhất là khi giá phân bón đang tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.

Anh Hoàng chia sẻ, khi sử dụng kết hợp chế phẩm sinh học EMINA cho cây tiêu, cà phê với đạm cá, năng suất cây tiêu, cà phê không tăng đột biến như sử dụng phân hóa học nhưng sức đề kháng của cây tăng lên, cây ít bị xâm hại bởi các loại sâu bệnh, quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của cây tốt hơn. Chính vì vậy, năng suất vườn tiêu và cà phê của gia đình anh luôn ổn định và được duy trì, chất lượng, mẫu mã hạt tiêu, cà phê cũng cao hơn so với trước đây.

Đạm cá và chế phẩm sinh học EMINA kết hợp với nhau như một cặp bài trùng, nhờ đó mà anh Hoàng nhàn hơn rất nhiều. Hai loại sản phẩm này lại hoàn toàn không hề độc hại. Không chỉ có lợi cho đất (giun, dế sinh sôi), có lợi cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường mà còn an toàn cho người sử dụng.

Đối với việc duy trì cỏ nền vườn, lúc trước anh cứ nghĩ để cỏ nhiều thì chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây nhưng thực ra không đến mức đó. Cỏ bụi có thể hút một phần nhỏ chất dinh dưỡng nhưng bù lại chúng cũng góp phần duy trì nền nhiệt độ, độ ẩm đất. Đặc biệt, lá và thân cây cỏ cũng trở thành lớp thảm phân hoai mục giúp đất tốt hơn. Do vậy, anh không diệt cỏ mà chỉ cắt ngang thân. Cứ mỗi năm 3 lần cắt cỏ, phần thân cỏ bị cắt kết hợp tưới chế phẩm sinh học giúp nhanh phân hủy đã tạo nên một nguồn phân bón hữu cơ dồi dào làm phân bón tự nhiên cho cây.

Hiệu quả mang lại

Nhờ hạn chế được dịch bệnh, cũng như chủ động được một lượng phân bón đáng kể cho các loại cây trồng trong vườn nên năng suất vườn tiêu, cà phê của gia đình trong 3 năm trở lại đây luôn ổn định. Mặc dù giá tiêu, cà phê xuống thấp nhưng với cách làm nhằm giảm chi phí đầu vào, đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập tốt, đạt lãi cao. Với 1.300 trụ tiêu trồng thuần, mỗi năm thu được 6-8 tấn khô, dù giá ở mức thấp, bình quân 50.000 đồng/kg nhưng đã mang lại cho gia đình anh 300-400 triệu đồng/ha. Vụ tiêu năm nay, với giá tiêu đang trên đà phục hồi (gần 80.000 đồng/kg), sẽ mang lại thu nhập cho gia đình anh cả nửa tỷ đồng. Chưa kể trên diện tích tiêu xen cà phê, mỗi năm cũng thu được hơn 3 tấn cà phê, 3 tấn tiêu khô và hơn 2 sào thanh long mỗi năm cho thu 6-7 lứa gần 15 tấn (với giá trung bình 10.000 đồng/kg thanh long) đã mang lại thêm thu nhập cho gia đình anh 100-150 triệu đồng/năm.

Nhờ áp dụng mô hình chăm sóc cây trồng với đạm cá tự ủ kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học, không chỉ có nguồn thu nhập tốt, mà còn giúp nền đất bây giờ trên vườn không chịu phải các loại phân hóa học mà thay vào đó là phân chuồng nhiều, phân hữu cơ vi sinh từ đạm cá nên đất tơi xốp hơn. Giun, dế, các sinh vật và vi sinh vật có lợi… cũng vì thế phát triển nhiều, góp phần giúp cân bằng hệ sinh thái, giúp cây trồng sinh trưởng một cách bền vững, không còn dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh việc giữ được vườn tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, xử lý dứt điểm bệnh chết nhanh chết chậm trên vườn tiêu, cũng như tăng được thu nhập từ cà phê và thanh long của gia đình mình, anh Hoàng còn là tư vấn kỹ thuật cho rất nhiều vườn cây trên địa bàn xã Nam Hà. Là một người hết lòng tâm huyết với nông nghiệp, anh Hoàng chỉ mong sao bà con nông dân sẽ lựa chọn cho mình cách làm phù hợp góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, không độc hại không hóa chất, có đầu ra ổn định và kinh tế vững vàng.

Hiện nay, trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng thì xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ sinh học đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học là cần thiết giúp cải thiện độ phì nhiêu và cân bằng dinh dưỡng trong đất, giảm bớt lượng hóa học, tăng lượng vi sinh vật trong đất. Với những lợi ích như vậy, hy vọng trong thời gian tới nhiều bà con nông dân sẽ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sinh học, thay thế canh tác truyền thống góp phần hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững./.

Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng