Mô hình này không chỉ giúp người nông dân làm quen với quy trình sản xuất tiên tiến mà còn góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng và đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững và hiện đại, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, sản phẩm nông sản sẽ được sản xuất với chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không sử dụng các hóa chất độc hại. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mà còn dễ dàng tiêu thụ, giá bán ổn định và được thị trường ưa chuộng.
Ngoài ra, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP thường có khả năng tiêu thụ cao hơn, đồng thời được người tiêu dùng đánh giá cao, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản. Điều này đã tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp và người dân trong tỉnh tham gia đầu tư phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, sạch và bền vững. Các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP thường có đầu ra ổn định, giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Tại hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình sản xuất cây kiệu và hành đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Cây kiệu, với năng suất từ 58,2 đến 65,6 tạ/ha, mang lại lợi nhuận cho người nông dân từ 111,38 đến 152,6 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 24,4 đến 25,8 triệu đồng/ha.
Riêng cây hành, năng suất củ trung bình đạt 87,6 tạ/ha, trong đó tại điểm trình diễn xã Cát Tài, năng suất lên đến 99,7 tạ/ha, mang lại lợi nhuận từ 116,7 đến 269 triệu đồng/ha. Mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt khi người dân đã áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Trị, thôn Hưng Lạc, chia sẻ: "Việc trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây hành sinh trưởng phát triển tốt, củ hành mẫu mã đẹp, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Năng suất tăng 21% và hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 lần so với trước đây. Chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất hành VietGAP trên diện tích 1 ha và thành lập tổ sản xuất hành đạt tiêu chuẩn VietGAP với 06 hộ dân."
Tại huyện Hoài Ân, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung chuyển giao mô hình thâm canh cây bưởi (thời kỳ kinh doanh) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại hai xã Ân Hữu và Ân Tường Đông. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cây bưởi trong mô hình VietGAP cho trái to, đồng đều, vỏ có màu xanh đậm, tép bưởi ngọt và đẹp mắt.
Năng suất bưởi đạt 86,19 tạ/ha, cao hơn so với vườn bưởi ngoài mô hình khoảng 12,3 tạ/ha. Bưởi VietGAP được tiêu thụ tốt trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội và sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nhiều thương lái đã đặt hàng trước với số lượng lớn. Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình VietGAP và liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, diện tích và sản lượng bưởi của huyện Hoài Ân đã tăng trưởng bền vững trong những năm qua.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết: "Bưởi là cây trồng chủ lực tại Hoài Ân, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Việc áp dụng VietGAP, kết hợp với công nghệ tưới tiết kiệm, giúp tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Đến cuối năm 2024, diện tích trồng bưởi tại Hoài Ân dự kiến đạt 450 ha, với sản lượng ổn định và chất lượng cao."
Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Việc tuân thủ các quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát sử dụng hóa chất và bảo vệ hệ sinh thái là giải pháp quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, sản xuất theo chuẩn VietGAP giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả quản lý và cải tiến quy trình sản xuất. Trung tâm Khuyến nông cũng đã tích cực tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Các hoạt động này giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho nông dân, đồng thời thúc đẩy việc chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại mà còn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trung tâm Khuyến nông đã và đang làm rất tốt trong việc hỗ trợ nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và gia tăng thu nhập. Mô hình sản xuất này đang dần trở thành xu hướng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới./.
Thành Nguyên
Trung tâm Khuyến nông Bình Định