Trong vụ Đông Xuân 2024-2025, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với Công ty Cổ phần hữu cơ sinh học Phương Đông thực hiện mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học Bio Lacto EM trong canh tác lúa” tại Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười thuộc xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

 

Sau thời gian thực hiện mô hình, đầu tháng 4/2025, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác lúa” nhằm đánh giá kết quả của mô hình và quảng bá hiệu quả của mô hình đến bà con trồng lúa tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.

 

Hội thảo được sự quan tâm tham dự của 50 đại biểu là cán bộ kỹ thuật và nông dân chuyên canh tác lúa tại các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Tại hội thảo, các đại biểu được tham quan mô hình, được lắng nghe báo cáo chuyên đề “Thực trạng và vai trò của chế phẩm sinh học trong canh tác lúa” và kết quả thực hiện “Mô hình trình diễn sản phẩm Bio Lacto EM” trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025 (giống IR 4625). Theo đó, đất trồng lúa hiện nay đã và đang bị thoái hóa do mức độ thâm canh cao và sử dụng nhiều phân thuốc hóa học. Do đó, việc sử dụng các chế phẩm sinh học cũng như phân hữu cơ hoặc sử dụng chế phẩm phân hủy rơm rạ để hoàn trả lại chất hữu cơ cho đất là giải pháp an toàn và bền vững trong canh tác lúa.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan mô hình 

 

Mô hình trình diễn “Ứng dụng chế phẩm Bio Lacto EM trong canh tác lúa” sử dụng chế phẩm Bio Lacto EM chứa chủng vi sinh vật Lactobacillus spp với công dụng cố định và phân giải các hợp chất xenlulose trong đất, chuyển hóa rơm rạ thành dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa và ổn định pH đất. Ngoài ra, chế phẩm Bio Lacto EM còn giúp nông dân quản lý tốt lúa cỏ, lúa nền, tăng độ tơi xốp, thông thoáng, bổ sung hệ vi sinh vật có lợi giúp cây lúa phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu những điều kiện bất lợi.

 

 

Trong mô hình, sản phẩm BioLacto EM được sử dụng để xử lý hạt giống và phun 06 đợt trong suốt giai đoạn sinh trưởng của cây lúa (bao gồm 12, 25, 40, 60, 75 và 85 ngày sau sạ).

 

Ông Trần Minh Tâm là cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi mô hình cho biết: lúa ở ruộng mô hình phát triển mạnh hơn ở ruộng đối chứng. Về phân bón sử dụng thì ruộng mô hình giảm được 27,8% N, 41% P2O5 và 23,8% K2O (tương ứng giảm 43 kg phân Ure, 165 kg phân lân nung chảy và 16,7 kg phân kali trên 1 ha) so với ruộng đối chứng. Về các chỉ tiêu nông học, so với đối chứng, số hạt chắc/bông tăng 17,2%, tỷ lệ hạt chắc/bông tăng 11,3%, năng suất thu mẫu tăng 6,67%. Xét về hiệu quả kinh tế, giá thành sản xuất lúa ở ruộng mô hình giảm hơn ruộng đối chứng 28,2%.

 

Ông Tâm cho biết thêm, ruộng mô hình bố trí tại địa điểm nhiễm phèn nặng và nhiều năm trước đây năng suất lúa chỉ đạt tối đa 2 tấn/ha, nhưng hiện nay nhờ sử dụng sản phẩm Bio Lacto EM năng suất lúa có thể cao hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, so với với ruộng đối chứng thì nước ruộng trình diễn ở vụ Đông xuân 2024 - 2025 không có váng phèn. Đây là tín hiệu đáng mừng khi bước đầu sử dụng chế phẩm Bio Lacto EM trên đất nhiễm phèn của Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười.

leftcenterrightdel
Lúa ở ruộng mô hình phát triển mạnh hơn ở ruộng đối chứng 

 

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến phát biểu của bà con nông dân xoay quanh hiệu quả của sản phẩm sinh học Bio Lacto EM.

 

Theo ông Trương Văn Mỹ, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa chia sẻ: “Tôi đã sử dụng sản phẩm Bio Lacto EM trong vụ Đông xuân 2024 - 2025, với 03 lần phun (7 - 10 ngày, 25 ngày và trước trổ) và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật khác thì nhận thấy kết quả đạt được khả quan. Đồng thời, chế phẩm Bio Lacto EM xử lý được bướu rễ. Khi sử dụng chế phẩm Bio Lacto EM lúa có màu vàng tranh, lúa ít sâu bệnh, hạt lúa sáng đẹp, không bị cháy lá”.

 

Theo ông Trần Văn Sữa - Hợp tác xã Hương Trang, huyện Mộc Hóa cho biết: “Tôi đã sử dụng chế phẩm Bio Lacto EM trong vụ Đông xuân 2024-2025 với 03 lần phun, ruộng tôi trước đây có nhiều lúa cỏ và khi sử sụng Bio Lacto EM cho thấy quản lý lúa cỏ hiệu quả. Đây là sản phẩm sinh học, an toàn và phù hợp sử dụng để quản lý rơm rạ trong chương trình Đề án 1 triệu hecta lúa. Tôi sẽ mạnh dạn sử dụng sản phẩm này trong các vụ lúa tới”.

 

Như vậy, với kết quả bước đầu sử dụng cho thấy chế phẩm sinh học Bio Lacto EM có hiệu quả trong việc hạ phèn, phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng hiệu quả. Hứa hẹn đây là chế phẩm góp phần vào việc đưa người nông dân canh tác lúa đạt hiệu quả, bền vững và là sản phẩm góp phần thực hiện thành công mục tiêu quản lý rơm rạ trên đồng ruộng trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” thời gian tới./.

 

Trúc Đào

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An