Đến nay, trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả, tận dụng diện tích đất nhỏ, nằm trong khu nội ô, ven đô thị để sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả thu nhập cao cho người dân.

 

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng có giá thể bằng dây ni lon trong những năm trở lại đây đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên cũng không ít trường hợp nuôi chưa đạt hiệu quả cao, một phần do năng suất, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Để nuôi lươn mang lại hiệu quả cao, tránh cảnh được mùa mất giá, “dội chợ” đòi hỏi người nuôi vừa phải nắm vững kỹ thuật nuôi, vừa phải nắm bắt nhu cầu của thị trường để đảm bảo cung ứng kịp thời sản phẩm đạt yêu cầu, đúng thời điểm. Với khoảng diện tích khoảng 200m2 đất sau nhà, anh Vinh ngụ tại KV 11, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đã xây dựng một khu nuôi lươn khép kín bao gồm khu nuôi lươn bố mẹ, khu ương lươn bột, khu nuôi lươn thương phẩm, bồn trữ nước. Hiện tại gia đình anh có 16 bể xi măng nuôi lươn thương phẩm, trong đó 8 bể với diện tích 7m2 /bể, mật số nuôi 3.000 con – 4.000 con/ bể, lúc nào cũng đầy ắp lươn đạt trọng lượng từ 200gr – 500gr cung cấp ra thị trường, phần bể còn lại anh dành để phân loại kích cỡ lươn. Bên cạnh đó là 10 bể để nuôi lươn bố mẹ, tự sản xuất lươn giống. Phần nước thải từ các bể lươn anh tận dụng để nuôi cá tra, hạn chế ô nhiễm môi trường. Mỗi năm gia đình anh xuất bán 6-7 tấn lươn thương phẩm ra thị trường, với giá bán trung bình 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài ra, anh còn nắm bắt thị hiếu của thị trường, thời điểm nào thị trường thích lươn to, thời điểm nào thích lươn nhỏ để điều chỉnh số lượng lươn trong bể nuôi nên lúc nào anh cũng xuất bán được giá cao.

 

Anh Vinh cho biết, nhờ tự tìm tòi học hỏi các mô hình nuôi lươn trong vùng và các tỉnh lân cận, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Cần Thơ, Trạm Khuyến nông quận Ô Môn về kỹ thuật nuôi, hỗ trợ con giống chất lượng để xây dựng mô hình trình diễn, gia đình anh mới có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 200 m2 đất sau nhà.

leftcenterrightdel
Mô hình nuôi lươn không bùn đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh Vinh 

 

Nói đến mô hình nuôi chim trĩ thì Anh Nguyễn Bửu Thanh, ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ là người nuôi quy mô lớn ở miền Tây, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ðây là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Với niềm đam mê với loài chim trĩ, anh Thanh tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật và rút kinh nghiệm thực tế và đã nuôi thành công giống chim trĩ này.

 

Theo anh Thanh, khi đã am hiểu về kỹ thuật thì chim trĩ rất dễ nuôi, gần giống như nuôi gà nhưng lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần. Thức ăn của chim trĩ đỏ gồm gạo, lúa, cám, thức ăn chế biến... và có thể cho ăn thêm các loại rau xanh, thân chuối băm. Giá bán chim trĩ 1 ngày tuổi từ 30.000 - 32.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi 60.000 đồng/con, chim thương phẩm 170.000 - 180.000 đồng/kg. Ngoài ra, chim trĩ còn được nuôi để lấy trứng. Mỗi tháng tại hộ Bửu Thanh xuất bán ra thị trường từ 5.000 - 6.000 trứng chim trĩ với giá bán dao động từ 8.000 – 9.000 đồng/trứng.

 

Bên cạnh đó, các hộ nuôi đã xây dựng thành công kênh phân phối thịt và trứng chim trĩ cho các chuỗi nhà hàng, quán ăn tại thành phố Cần Thơ. Trứng chim trĩ được đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố như Bình Thuận, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… Sản phẩm này được Hội đồng đánh giá, xếp hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm TP. Cần Thơ và đã xét duyệt thương hiệu “Trứng chim trĩ Hưng Long” của anh Bửu Thanh đạt chuẩn OCOP 3 sao.
leftcenterrightdel
Nuôi chim trĩ là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế khá cao 
 

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Giọt Phù Sa ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nghiên cứu sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo, trong đó có sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đã đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã quảng bá sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm chất lượng, tiện dụng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và khách du lịch. Nấm đông trùng hạ thảo của HTX Giọt Phù Sa được sản xuất theo hướng sạch với các quy trình kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng tự nhiên. Chú trọng đầu tư công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm chất lượng, tiện dụng có bao bì đẹp kết hợp ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng. Hiện nay giá sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi được HTX bán ra ở mức 200.000 - 250.000 đồng/hộp 150gr, còn nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa có giá khoảng 600.000 - 650.000 đồng/hộp, rượu đông trùng hạ thảo hiện có giá 550.000 đồng/chai. Để giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo chất lượng và thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch, HTX đã quyết định thành lập điểm tham quan miễn phí đông trùng hạ thảo của HTX tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Khách tham quan đến đây được tư vấn, giới thiệu về sản phẩm và được tham quan thực tế quy trình sản xuất, cũng như dùng thử miễn phí một số dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX.

 

Bùi Thị Huyền Trang

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Cần Thơ