Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Đài Loan (SN 1988) trú tại thôn Tân Thành, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hiện đang rất thành công bởi anh nuôi đạt năng suất, giá bán tốt và đầu ra ổn định.

 

Anh Loan cho biết, anh đã từng làm nhiều nghề để sinh sống nhưng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Qua tìm hiểu, nhận thấy lươn là đối tượng thủy đặc sản được nhiều người ưa chuộng và bán ở chợ với giá cao, trong khi đó lươn ngoài tự nhiên khá nhiều. Vì vậy, anh đã nảy ý định xây bể và thu gom con giống tự nhiên về nuôi.

 

“Khi nuôi bằng con giống ngoài tự nhiên, tuy không phải mất tiền mua giống nhưng ngược lại lươn chậm lớn, dịch bệnh nhiều, thời gian nuôi lâu (trên 12 tháng) nên thu nhập cũng không đáng kể. Sau đó, tôi đã tìm hiểu trên internet thấy có nhiều mô hình nuôi lươn bằng con giống nhân tạo rất thành công. Tôi đã liên hệ cơ sở để tìm hiểu kỹ hơn và nắm bắt quy trình kỹ thuật cụ thể. Đầu năm 2020 tôi xây dựng 2 bể xi măng và quyết định mua con giống về nuôi thử nghiệm.”. Anh Loan chia sẻ thêm.

 

Dù thời gian đầu có gặp một số khó khăn, nhưng nhờ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi nên sau khi thu hoạch những lứa đầu tiên, nhận thấy mô hình rất có hiệu quả, lươn phát triển tốt, không đủ cung cấp cho khách hàng nên từ 2 bể nuôi thử ban đầu, năm 2022, anh Loan đã mở rộng lên 6 bể. Cuối năm 2024, anh Loan tiếp tục mở rộng thêm 12 bể và sẽ thả lứa giống mới trong 2 tuần nữa.

 

Theo anh Loan, nuôi lươn theo phương pháp này khá đơn giản, ít tốn công chăm sóc và không cần quá nhiều diện tích. Kích thước mỗi bể rộng 8m2, ốp gạch men xung quanh, đáy lát xi măng, bên trong đặt những tấm giá thể bằng lưới nhựa để lươn chui rúc phù hợp với tập tính. Hàng ngày, cần vệ sinh, thay nước cho bể nuôi và cho lươn ăn 2 lần. Nguồn nước cung cấp cho các bể nuôi phải đảm bảo sạch và đảm bảo yêu cầu các yếu tố môi trường trong suốt quá trình nuôi.

leftcenterrightdel
 Ngoài thức ăn công nghiệp thì cần định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitamin C để tăng sức đề kháng cho lươn

“Giống lươn được nhập về nuôi đã được thuần hóa nên quen với sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng cá tạp dễ gây ô nhiễm nguồn nước. Hàng ngày, chỉ việc đưa thức ăn xuống bể cân đối theo trọng lượng, mật độ, độ tuổi của lươn. Bên cạnh đó, phải tăng cường thêm sức đề kháng, giảm stress cho lươn bằng cách trộn men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn mỗi ngày”, anh Loan bật mí.

 

Theo anh Loan, để nuôi lươn đạt năng suất cao, tỉ lệ hao hụt thấp cần giữ môi trường nuôi được sạch sẽ, đặc biệt không sử dụng hóa chất hay kháng sinh và trước khi cho ăn phải thay nước mới. Nhờ chăm sóc bài bản nên mô hình nuôi lươn không bùn của anh Loan độ hao hụt chỉ khoảng 5-7%. Mỗi bể nuôi rộng 8m2, anh thả 4000 con giống, sau 6-7 tháng nuôi lươn đạt trọng lượng 250 – 300gram/con, thu về hơn 1 tấn lươn thương phẩm.

 

“Hiện nay, việc tiêu thụ lươn rất thuận lợi, lươn được tôi nuôi theo hình thức cuốn chiếu nên có sản phẩm bán quanh năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Thành phố Vinh (Nghệ An), hiện số lượng không đủ cung cấp cho khách hàng. Với giá bán dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trung bình mỗi bể nuôi sau khi trừ tất cả chi phí tôi lãi 35 – 40 triệu đồng/năm”, anh Loan nói.

leftcenterrightdel

Anh Trần Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn không bùn cho người dân đến tham quan mô hình 

Thành công mô hình nuôi lươn không bùn của anh Loan, thời gian qua, nhiều thanh niên địa phương cũng như hộ dân đã đến tham quan, học hỏi để áp dụng. Anh Loan cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, và cung cấp thức ăn, con giống chất lượng cho bà con.

 

Chị Phan Thị Lý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Giang cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn của anh Loan là mô hình duy nhất trên địa bàn xã, là điểm sáng để người dân học tập, làm theo. Đây là mô hình hiệu quả, dễ làm, dễ thực hiện, đầu ra thuận lợi, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân tại địa phương. Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân cũng như sẽ phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn thêm kỹ thuật để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh