Đây cũng là vùng kinh tế trang tổng hợp được hình thành đầu tiên, có quy mô diện tích lớn nhất (400 ha, năm 2007) của huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cách quốc lộ số 1A trên 2 km.

Lý do chúng tôi đến "Trang trại Lộc Tình" bởi đây là trang trại đứng đầu trong huyện nuôi lợn khép kín an toàn sinh học (ATSH) vận hành dàn lạnh, sản phẩm bán ra thị trường là thịt lợn sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Đặc biệt hơn là đàn lợn của trang trại đã vượt qua và đứng vững giữa các cơn "bão" dịch (dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch Covid 19).

Trước khi vào trang trại, điểm tiếp xúc đầu tiên là khu nhà điều hành 3 gian được xây dựng kiên cố bền vững. Muốn vào bên trong bắt buộc phải bước qua vũng nước vôi bột hòa tan ngay trước cửa cho ướt bàn chân rồi mới được lên sân. Anh Cao Văn Lộc (37 tuổi) là chủ trang trại đã chủ động dùng bình xịt hóa chất từ đầu xuống chân tôi để khử khuẩn.

Anh nói: "Toàn bộ khuôn viên trang trại là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", ai muốn vào phải được tôi đồng ý và trước tiên phải khử khuẩn". Vì thế, sau khi mặc quần áo bảo hộ (mặc một lần), đi ủng, đeo khẩu trang chống nhiễm khuẩn (TTDVNN huyện trang bị), anh Lộc mới "chịu" đưa tôi vào bên trong khu nhà điều hành để tiếp cận các khu chăn nuôi lợn khép kín gồm vườn cây, ao cá....

Bây giờ tôi mới được tận mắt chứng kiến "Trang trại Lộc Tình" trên diện tích 10 nghìn m2 được tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình VAC truyền thống (vườn cây ăn quả, ao cá, chuồng lợn) từ năm 2016. Được biết, vùng đất này vốn là nơi sình lầy lau lách cỏ sậy hoang hóa không thể trồng lúa đã "ngủ yên" dưới thời kinh tế bao cấp và được "đánh thức" bởi sự tác động tích cực của nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế quản lý kinh tế thị trường hiện nay với nhiều thành tựu quan trọng.

Anh Lộc với dáng người to khỏe nhưng khá nhanh nhẹn dẫn tôi tới khu chuồng nuôi lợn thịt (nuôi để bán) được xây dựng quy mô bền vững, chuồng được ngăn ra 5 ô để "lũ lợn" được thoải mái "ụt ịt". Một chị mặc áo bảo hộ mầu xanh công nhân đang "tác nghiệp" công việc thường xuyên tắm cho đàn lợn và dọn dẹp vệ sinh chuồng lợn, con nào cũng mũm mĩm "bóng loáng" vì được tắm nước sạch lấy từ giếng khoan. Đàn lợn thịt tại thời điểm này là 150 con, con lớn tầm 100 kg, con nhỏ nhất cũng 50 kg đang nằm bỗng rồ lên vì có người đến gần.

Anh Lộc cho biết: "Tôi thuê 3 lao động thường xuyên là người địa phương, họ đều có kiến thức, khỏe mạnh và còn trẻ, mỗi người thực hiện nhiệm vụ được tôi phân công theo khả năng, sở trường; mỗi tháng mỗi người nhận được 7 triệu đồng tiền công. Vì được đối xử tốt nên họ làm việc rất tích cực, trách nhiệm và gắn bó".

Một nhân viên đang thực hiện phối tinh cho lợn nái

 

Theo anh Lộc đến khu chuồng nuôi lợn choai khép kín. Cánh cửa, chuồng lợn được xây dựng bằng vật liệu cứng (gỗ, sắt thép, bê tông...), kết cấu chắc chắn bền vững, độ an toàn cao, chuồng được ngăn thành 5 ô rộng rãi để "chứa" 150 con lợn có trọng lượng trung bình từ 30 - 40 kg/con. Chuồng có lắp đặt hệ thống làm mát bằng 2 quạt điện, mỗi quạt có sải cánh từ 1,1 - 1,4 mét tự động hoạt động suốt ngày đêm để hỗ trợ, "chăm sóc" đàn lợn khỏe mạnh chóng lớn cho tới khi xuất bán. Lợn được xuất bán cho các lò mổ trong tỉnh theo giá thị trường. Liên tục tháng nào cũng xuất bán, mỗi tháng từ 80 con trở lên tương đương với 9 tấn lợn hơi, trừ chi phí thu về 500 triệu tiền lãi. Khách hàng bảo nhau: “Mua lợn của trang trại anh Lộc là lợn 3 sạch: ăn sạch, uống nước sạch (nước được lọc bằng máy), ở sạch”. Anh Lộc chủ động cứ 3 tháng/lần cho lấy máu đàn lợn kiểm nghiệm xem có biểu hiện dịch bệnh không để kịp thời xử lý.

Rời đàn lợn đang lớn mơn mởn và đẹp mắt, chúng tôi tới thăm khu chuồng có đàn lợn nái sinh sản. Lúc anh Lộc mở cửa chuồng, tôi mới biết đây là cánh cửa vì nó được thiết kế, đan ghép bằng những thanh sắt phi 14 chắc chắn, chống được kẻ trộm... Cả chuồng hiện có tới 50 lợn nái sinh sản thuộc thế hệ "bố, mẹ" tại 5 ô chuồng phía trái từ ngoài vào. Mỗi lợn mẹ nặng từ 2,5 - 3 tạ/con, mỗi năm lợn mẹ sinh sản 2,5 lứa, mỗi lứa 14 lợn con (bình quân nuôi được 12/14 con/lứa). Phía bên phải chuồng ngăn 5 ô để nuôi đàn lợn 180 con, mỗi con có trọng lượng từ 6 - 20 kg/con. Nhìn vào biển đề tên "Thẻ nái" được treo ở khung của ô lợn mẹ để theo dõi sẽ biết rõ được lý lịch của từng con, ví dụ như: ngày phối giống, dự kiến ngày đẻ... Khu chuồng lợn nái sinh sản và lợn con mới đẻ ra cũng được lắp đặt hệ thống quạt điện để làm mát liên tục suốt ngày đêm (trừ mùa đông), với 4 quạt điện, mỗi quạt có sải cánh 1,4 mét đủ công suất phục vụ cả đàn lợn mẹ, lợn con trong chuồng.

Thức ăn chăn nuôi cá, lợn đều là cám tổng hợp của công ty có uy tín trong toàn quốc. Lợn nái chửa ăn 1 lần, 2,5 kg thức ăn/ngày; lợn nái đẻ ăn 4 lần, mỗi lần từ 6 - 7 kg/ngày; lợn con, lợn choai, lợn thịt cho ăn cả ngày trên máng tự động và ăn no thì tự thôi. Thông thường, lợn nái đẻ được từ 6 - 8 lứa thì phải thay và lợn giống lại được nhập từ Công ty cổ phần C.P Việt Nam về để thay thế cho các lứa tiếp theo.

Hệ thống máng cho lợn ăn tự động luôn được giữ sạch sẽ

 

Do nắm được thông tin, chỉ đạo hướng dẫn của Thú y huyện nên anh Lộc đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi ngay từ đầu, phun hóa chất (theo hướng dẫn chỉ định) để khử trùng tiêu độc định kỳ 2 lần/tuần, sử dụng vôi bột... để đảm bảo vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ không có mùi hôi; máng ăn tự động, vòi uống nước, mặt sàn... thường xuyên được kỳ cọ, xịt nước sạch sẽ nên chưa hề xảy ra dịch bệnh.

Toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý qua 3 hầm khí bioga đặt tại 3 chuồng lợn. Phân lợn đã qua xử lý thu gom và bán cho các trang trại trồng cây, nuôi cá...
Mỗi chuồng lợn được trang bị ít nhất 1 tủ (bàn) để thuốc đảm bảo phòng trừ dịch bệnh và xử lý kịp thời với các loại thuốc vacxin, kháng sinh, thuốc bổ...
Điện phục vụ sản xuất được đáp ứng đầy đủ kịp thời, nguồn nước sạch được lấy từ giếng khoan tại chỗ đủ nước phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất. Trang trại hiện duy trì 1 lợn đực giống trọng lượng dưới 4 tạ đủ cung cấp nguồn tinh cho cả đàn lợn nái theo hình thức phối tinh...

Trên diện tích 4 nghìn m2 ao thả cá truyền thống (trôi, mè, chép, trắm, rô phi...), anh Lộc trang bị máy sục khí để tạo ô-xy. Mỗi năm cho thu hoạch 1 vụ 10 tấn cá, bán ra với giá bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí anh Lộc lãi 250 triệu đồng từ nuôi cá.

Phần diện tích mặt đất trồng chủ yếu 3 loại cây ăn quả là cam đường Canh, cam Vinh, mít Thái. Cam đường Canh mỗi năm 1 vụ thu hoạch bán vào dịp Tết Nguyên đán cho người chơi cây cảnh với giá 2 triệu đồng/cây, mỗi năm bán được 150 cây/năm. Với 200 cây cam Vinh mỗi năm thu hoạch 4 tấn quả, bán giá 20.000 đồng/kg thu về 80 triệu đồng. Còn 50 cây mít Thái ra quả quanh năm, chi phí ít nhưng thu nhập được 1 triệu đồng/cây/năm... Được biết, vợ anh Lộc còn là chủ cơ sở cửa hàng dịch vụ phân phối thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm thủy sản cho các trang trại, hộ SXKD dịch vụ trong khu trang trại và trên địa bàn.

Khi được hỏi vì sao không chọn ngành nghề khác cho đỡ vất vả, anh Lộc chia sẻ: "Ban đầu thấy có người làm tôi cũng thử bán thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm. Vốn thì ít vậy mà cũng có lãi... Thấy hấp dẫn nên tôi theo và đem lòng đam mê từ đó. Rồi tôi học nghề thú y, mới 5 năm thôi mà đã giúp tôi gắn bó với nghề!".

Vậy “còn hạch toán làm ăn…”, tôi hỏi chưa hết câu. Anh Lộc cười tự tin: "Khởi nghiệp cũng được ít năm, nhiều cái khó bó chặt suy nghĩ nhưng phải quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư và dám lăn xả "thua keo này bày keo khác". Mấy năm đầu làm ăn chật vật, rồi "đất chẳng phụ người", tín hiệu vui cũng đến". Anh lẩm nhẩm: "Vốn chi phí để có "cơ đồ” như hiện nay khoảng 6 tỷ đồng. Sau gần 1 năm xoay sở vật vã làm ăn đến chóng mặt trong “bão” dịch, “bão” giá (từ tháng 8 năm ngoái đến thời điểm này) trừ mọi chi phí cũng kiếm được trên 1 tỷ đồng tiền lãi".

Trước khi chia tay, anh chia sẻ về dự định sắp tới. Hiện trên địa bàn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát khống chế, giá lợn dần ổn định và có chiều hướng tăng lên, người chăn nuôi sẽ có lãi. Do vậy, anh tiếp tục đầu tư phát triển mở rộng quy mô theo hướng khép kín an toàn sinh học như hiện nay để góp phần ổn định hàng hóa giá cả thị trường, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động đang gặp phải khó khăn về thu nhập và đời sống vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 để lại.

Lê Như Cương

Thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa