Sống ở vùng quê chủ yếu làm nông nghiệp nên các sản phẩm phụ từ nghề nông như rơm sau thu hoạch lúa chỉ để làm thức ăn cho trâu, bò. Sau khi được học nghề trồng nấm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Vị Xuyên và được trực tiếp đi tham quan một số mô hình trồng nấm thành công trên địa bàn; từ năm 2014, chị Hương đã đi mua bào tử nấm và dùng nguồn rơm sau thu hoạch lúa của gia đình tạo các bịch để nuôi cấy nấm. Đầu tiên, chị Hương chỉ làm nấm ở qui mô nhỏ, từ 50 – 80 bịch nấm. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những mẻ nấm đầu tiên của chị Hương sinh trưởng chậm, cho năng suất thấp, có một số bịch nấm bị thối không cho thu hoạch. Không chùn bước, chị Hương lại tiếp tục đi tìm hiểu kinh nghiệm tại các mô hình trồng nấm thành công. Với quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị Hương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng nấm.

Từ năm 2017, chị Hương đã làm thêm 3 dãy nhà mái lá để nuôi trồng nấm; tổng 4 dãy nhà trồng nấm của gia đình chị Hương có từ 700 – 800 bịch nấm.

Trong các dãy nhà trồng nấm, chị Hương nuôi trồng chủ yếu 2 loại nấm là nấm rơm và nấm đùi gà. Để có nguồn nấm xuất bán đều hàng tuần cho các thương lái, chị Hương bố trí xen kẽ tuổi của các bịch nấm, từ dãy nhà có các bịch mới ủ bào tử nấm đến dãy nhà có nấm đến độ tuổi xuất bán.

Nói về kinh nghiệm nuôi cấy nấm, chị Hương cho biết: Để nuôi cấy nấm thành công thì ngoài nguồn bào tử nấm phải được mua ở những địa điểm tin cậy, có uy tín thì nguồn rơm dùng để nuôi cấy nấm cũng đóng một vai trò quan trọng quyết định tới năng suất nấm. Sau khi thu hoạch lúa xong thì nguồn rơm để nuôi cấy nấm phải được phơi khô kịp thời đến độ vàng ươm và có mùi thơm của rơm mới. Còn nếu rơm bị mốc hoặc bị nấm men thì không nên dùng để nuôi trồng nấm ăn vì sẽ cho năng suất nấm không cao, thậm chí còn gây thối hỏng nấm.

Khi đã chuẩn bị được nguồn rơm tốt, trước khi cấy nấm, cần phải xử lý rơm bằng cách ngâm trong nước vôi trong từ 3 – 4 giờ để diệt trừ các nguồn nấm có hại trong rơm, sau đó vớt rơm ra phơi khô rồi cho vào các bịch nấm bằng túi nilong. Công đoạn cuối cùng là dùng các kim dài đã khử trùng bằng cồn để cấy bào tử nấm vào các bịch và buộc chặt đầu các bịch nấm.

Các dãy nhà nuôi trồng nấm phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh nguồn nấm bệnh gây hại cho nấm trồng. Sau khi treo các bịch nấm phải tiến hành phun mù để tạo ẩm độ cao kích thích cho nấm mọc mầm. Chị thường phun mù mỗi ngày 2 lần vào buổi trưa và chiều tối. Sau khi treo bịch từ 3 – 4 ngày, nếu quan sát các bịch thấy xuất hiện nấm mọc mầm thì dùng dao sắc nhọn, đã được khử trùng bằng cồn hoặc nước vôi trong, tiến hành rạch từ 3 – 4 vết dọc theo bịch nấm để nấm mọc ra bên ngoài. Sau khi thu hoạch nấm tại các vết rạch này ta lại tiếp tục rạch các vết khác trên bịch nấm nhằm tiếp tục thu hoạch nấm. Đến khi thấy nguồn nấm mọc ra ít hoặc nấm bé nhỏ thì thay thế bằng các bịch nấm khác vì lúc này nguồn bào tử nấm đã nảy mầm hết.

Chị Hương (áo xanh) chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm của mình

 

Khi được hỏi về thu nhập, chị Hương cho biết: Giá nấm ăn bán hiện nay dao động từ 50 – 70 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại nấm. Tổng thu nhập từ nghề trồng nấm của gia đình vào khoảng 230 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư như  giống, vật tư, công lao động… còn lãi từ 180 – 200 triệu đồng mỗi năm.

Được biết, ngoài nghề trồng nấm, gia đình chị Hương còn trồng gần 3,0 ha cam sành và phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Từ những thành tích trong phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Hương đã được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Vị Xuyên biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, mô hình trồng nấm và phát triển kinh tế hộ gia đình của chị Hương còn là điểm tham quan, học tập của các đoàn phụ nữ, nông dân trong và ngoài huyện Vị Xuyên trong những năm qua.

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang