Trong những nông dân điển hình ấy có người “thổi tù và nghề nông” của xã Tu Vũ. Ở tuổi 60, ông Lê Đình Thanh vẫn được chính quyền xã tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Khuyến nông cơ sở (KNCS) xã. Từ khi 24 tuổi, ông đã gắn bó với nghề nông, tham gia công tác chỉ đạo sản xuất, hoạt động khuyến nông tại địa phương, được tham quan học tập nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao. Cũng từ những năm tháng ấy, ông nhận thấy kể cả những nơi có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, địa hình… khó khăn nhưng vẫn có những người nông dân làm kinh tế giỏi từ sản xuất nông nghiệp. Bản thân ông luôn trăn trở về khát vọng làm kinh tế từ nghề nông ngay tại quê nhà - nơi mà ông am hiểu tường tận về từng chân đất, con ruộng; nơi mà theo ông có đất đai màu mỡ, giao thông thuận tiện, có thị trường tiêu thụ sản phẩm tiềm năng. Ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi và trồng những đối tượng mới vì ông nghĩ nuôi những con gì mà ít người nuôi, thị trường tiêu thụ cung ít hơn cầu và có tính “đặc sản”…, chắc chắn sẽ thu được hiệu quả cao. Từ suy nghĩ đó, ông đã gây dựng đàn ong nuôi lấy mật từ năm 1990 với 50 đàn ong nội. Ông luôn nghiên cứu tìm tòi để nuôi dưỡng, tăng đàn và khai thác mật hiệu quả nhất. Hàng năm sản lượng mật thu được khoảng 1.000 lít, đem lại nguồn thu từ mật ong cả trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đang sở hữu 400 đàn ong cho mật ổn định. Nghề nuôi ong mật cũng đã được nhiều hộ trong xã học tập làm theo và kết quả ra đời HTX nuôi ong mật Tu Vũ năm 2020 họat động theo Luật HTX và ông lại được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX. Những năm đầu của thập niên 2000, khi phong trào nuôi nhím thịt phát triển, ông đã có 10 đôi giống nhím bố mẹ, mỗi năm bán được 20 cặp nhím giống, 100 kg nhím thịt, thu lãi trăm triệu đồng.

Trong căn nhà được xây ghép theo kiểu nhà sàn rộng chừng 70 m2 trên tầng 2, hiện nay ông Thanh đang nuôi hơn 100 đôi dúi bố mẹ để sinh sản bán giống và bán thịt. Dúi là vật nuôi được ông bén duyên từ năm 2016 khi mà ông được đi tham quan mô hình nuôi dúi ở Vĩnh Phúc. Ông Thanh chia sẻ: Trong nhiều đối tượng ông đã từng nuôi thì dúi là vật nuôi sạch nhất, thức ăn rất đơn giản, dễ kiếm sẵn có tại địa phương (tre, mía…), có thể tăng đàn nhanh (mỗi năm dúi đẻ 2-3 lứa, 1 con dúi mẹ đẻ từ 1-5 con/lứa) và thời điểm này dúi đang được thị trường ưa chuộng, cung không đủ cầu cả dúi giống lẫn dúi thịt. Lúc nào gia đình ông cũng có đơn đặt hàng trước của khách trong khi giá của nó cũng khá cao. Dúi thịt bán 500.000 đồng/kg; Dúi giống 700.000 - 800.000 đồng/cặp 2 tháng tuổi. Tuy dúi là động vật hoang dã được thuần nuôi song đòi hỏi người nuôi cần tỷ mỉ trong theo dõi chăm nuôi, nhất là nuôi dúi sinh sản phải am hiểu tập tính của chúng thì mới thành công.

Hiện tại ông Thanh đang có hơn 100 cặp dúi sinh sản phát triển tốt

 

Vốn có lòng đam mê với vật nuôi có giá trị, ông đã từng nuôi những đối tượng như: tắc kè, chim trĩ, dế mèn, gà lôi, bò sữa, bò BBB… Vừa nuôi, vừa tự mày mò học tập và nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, hay tự liên hệ đầu ra cho sản phẩm. Trong quá trình thử sức mình ấy, ông cũng gặp không ít thất bại. Lúc thì do quy mô nuôi chưa lớn, trên địa bàn chưa có ai tham gia cùng, chưa liên kết được với các trang trại khác ngoài tỉnh nên sản phẩm làm ra lúc thì thừa, khi thì thiếu, sản phẩm không có tính liên tục để cung cấp cho thị trường nên bị mất mối tiêu thụ; Lúc thì do chưa hiểu hết tập tính sinh sống của đối tượng nuôi, khiến bệnh tật phát sinh, không thể duy trì đàn vật nuôi, thậm chí mất cả vốn đầu tư… Những ông tâm niệm đó là những bài học và vốn kiến thức giúp ông có được sự lựa chọn đúng đắn sau này.

Nuôi bò vỗ béo lấy thịt tại gia đình ông Lê Đình Thanh

 

Đến nay, gia đình ông Thanh đang có 400 đàn ong mật, 7 con bò lai BBB nuôi lấy thịt, 60 con nhím, hơn 100 đôi dúi bố mẹ với thị trường đầu ra cho các sản phẩm này khá ổn định. Ước tính, gia đình ông năm nay thu về 300 - 400 triệu đồng từ bán các sản phẩm trên.

Là Tổ trưởng tổ KNCS xã trong nhiều năm qua, thành quả mà ông Thanh đạt được là gây dựng phong trào sản xuất tập thể với thành công ở mô hình Cơ giới hoá nông nghiệp dùng máy làm đất, máy thu hoạch lúa thay cho sức người từ năm 2010; thành lập HTX sản xuất rau an toàn Tu Vũ thành lập năm 2018 với 46 thành viên, diện tích 27 ha đi vào hoạt động ổn định cho đến nay; HTX nuôi ong mật Tu Vũ được thành lập năm 2020 với 10 thành viên, tổng số 1.500 đàn ong nội.

Khát vọng làm kinh tế, tư duy đổi mới trong lao động, dám nghĩ, dám làm, sự đam mê của người tổ trưởng KNCS già là một tấm gương lao động giỏi, một cán bộ khuyến nông cơ sở điển hình trên quê hương Phú Thọ.

Nguyễn Đình Trung

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ