Từ khi nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng và quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác gỗ thì người dân nơi đây lại tập trung vào khai thác các loại lâm sản phụ ngoài gỗ như cây ba kích, tre nứa, hương bài, song mây, nấm lim xanh… mà không chú ý đến khâu nuôi dưỡng tái sinh nên số lượng cây còn sót lại ít, thậm chí có những khu rừng trong huyện hầu như không còn ba kích, nấm lim, hương bài. Vì vậy việc trồng các cây dược liệu dưới tán rừng và triển khai mô hình trồng nấm lim xanh là hướng đi mới trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

 Thực hiện đề ánPhát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” từ năm 2013, UBND huyện Sơn Động đã triển khai nghề trồng nấm cho nhân dân. Đến nay có nhiều mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân tại địa phương, có không ít hộ  dân trong huyện đã có điều kiện kinh tế khá và làm giàu từ nghề trồng nấm, đặc biệt là trồng nấm lim, điển hình như hộ ông Nông Văn Rót ở thôn Han 2, xã An Lập.

Gia đình ông Nông Văn Rót là hộ đầu tiên trong huyện triển khai mô hình trồng nấm lim xanh. Tính đến nay, gia đình ông đã 5 năm liên tục trồng nấm lim xanh. Những năm đầu khi mới triển khai mô hình, do kinh nghiệm thực tế và kỹ thuật chưa có nhiều nên nấm trồng bị hỏng nhiều. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm lim xanh do Trạm khuyến nông huyện tổ chức, ông đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và thành công với mô hình. Từ 300 m2 đất đồi bãi ban đầu, ông đã chuyển đổi thành trang trại trồng nấm Lim xanh và mở rộng quy mô lên hơn 400 m2 để làm 6.500 bịch nấm. Trong năm 2017, gia đình ông đã thu hái 8 lần và thu được 420 triệu đồng từ trồng nấm lim xanh. Mô hình trồng nấm của nhà ông đã được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Trong năm 2018, ông tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để làm 7.500 bịch nấm lim xanh.

Mô hình trồng nấm lim xanh của hộ ông Nông Văn Rót

Ông Rót cho chúng tôi biết: Trồng nấm lim xanh đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trồng nấm Mỡ hay nấm Sò, phải là người có kinh nghiệm và kỹ thuật mới trồng được. Ngoài việc chăm sóc cẩn thận, lựa chọn nguồn nước sạch thì cần phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ và điều chỉnh độ ẩm phù hợp thì nấm mới mọc được, phải thanh lọc, khử trùng phôi thật kỹ trước khi cấy nấm. Ông Rót còn cho biết thêm, nếu nấm thường thì sau mỗi vụ thu hoạch lại phải vất vả chuẩn bị nguyên liệu mới để cấy giống, với nấm lim xanh được cấy phôi trên thân cây keo thì một bịch nấm có thể cho thu hoạch trong vòng hai năm. Đây cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của nấm dược liệu.

Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà đời sống người dân huyện Sơn Động dần được nâng cao, trong đó phải kể đến mô hình trồng nấm lim xanh góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân và đặc biệt là bảo tồn được các loại nấm quý hiếm đang có nguy cơ ngày một cạn kiệt.

Giáp Hữu Văn