Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ nông dân về phân, thuốc BVTV, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến (3 giảm, 3 tăng) thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn với diện tích 3 ha, nhằm chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến “3 giảm, 3 tăng” giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người và thích ứng với biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
 Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông kiểm tra sinh trưởng phát triển cây lúa

Được sự phối hợp của chính quyền địa phương xã Tây Vinh, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cho các hộ dân 100% chi phí về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình triển khai mô hình. Nhưng để tăng trách nhiệm trong việc thực hiện mô hình, kinh phí mua giống lúa, thuê máy móc và công lao động người dân tự đối ứng 100% chi phí.

Bà Lê Thị Vân, thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, chia sẻ: Lâu nay người dân sản xuất lúa chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên việc sử dụng phân bón, nhận biết sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ sâu bệnh còn hạn chế. Do đó khi tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tâm lý bà con lo lắng, e ngại. Tuy nhiên được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi mô hình, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển nên cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đồng thời, nhờ áp dụng tốt biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM nên các đối tượng sâu, bệnh gây hại được phòng trừ kịp thời, hiệu quả, ít hoặc không ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng.

Sau 110 ngày, với việc bón phân cân đối và hợp lý đã giúp cây lúa hấp thu dinh dưỡng tối đa, hạn chế lép, nâng cao năng suất, số hạt chắc/bông đạt trung bình 94 hạt, cao hơn đối chứng 6 hạt, năng suất thực thu đạt 75,4 tạ/ha, cao hơn đối chứng 4,1 tạ/ha, tăng hơn 5,7%. Qua đó lợi nhuận đem lại 26.858.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 4.862.000 đồng/ha, tăng hơn 22,1%.

leftcenterrightdel
Mô hình mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Trong sản xuất lúa phải nói đến mô hình “3 giảm, 3 tăng” (Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế) bởi những ưu điểm như: thân thiện với môi trường, giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Sen, thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, cho biết: nhờ áp dụng theo kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, trong đó chú trọng giảm lượng giống, gieo sạ mật độ hợp lý, bón phân lót hữu cơ, bón cân đối, giảm lượng phân ure, phun thuốc BVTV phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng. Do đó, chi phí các loại đều giảm so với trước đây như giống giảm được 560.000 đồng/ha, phân ure giảm 35.000 đồng/ha, thuốc BVTV giảm 120.000 đồng/ha, nhờ vậy năng suất lúa và thu nhập tăng cao hơn hẳn.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Từ kết quả mô hình đạt được cho thấy năng suất tăng hơn 5,7% và lợi nhuận tăng hơn 22,1% so với sản xuất lúa trước đây. Bên cạnh đó, giúp nông dân nâng cao trình độ nhận biết sâu bệnh hại và sử dụng thuốc BVTV hợp lý, ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm tồn dư hóa chất trong nông sản, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng. Đây là mô hình có khả năng nhân rộng cao, vì vậy các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần có kế hoạch mở rộng, phát triển diện tích thâm canh cây lúa ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, qua đó góp phần hình thành vùng sản xuất lúa tập trung./.

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định