Mô hình có diện tích 1,5 ha, với 25 hộ tham gia, gieo sạ giống lúa ĐV108 – có khả năng thích nghi với điều kiện chua phèn mặn, chịu ngập úng, lại chịu thâm canh, cho năng suất khá cao. Mật độ gieo sạ 140 kg/ha, chăm sóc (làm cỏ, bón phân tưới nước, phòng trừ sâu bệnh,...) theo qui trình thâm canh lúa đang áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, điểm nhấn về tiến bộ kỹ thuật mà mô hình áp dụng là áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý, bón phân theo hướng cải tạo đất trước khi gieo sạ, bón cân đối các lần, mật độ thích hợp, bón vôi và phân lân hạ độ phèn mặn đất ruộng, tưới nước thích hợp theo các thời kỳ sinh trưởng phát triển cây lúa. Đặc biệt sử dụng bộ chế phẩm Hợp Trí phân bón lá Supe Humic + hydrophos Zn, hạn chế được ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, giúp lúa ra rễ nhanh, nên cây lúa hấp thu dinh dưỡng khá, từ đó sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Lúa trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung nên tỷ lệ nhánh vô hiệu rất thấp, tỷ lệ hạt lép thấp; sâu bệnh không đáng kể, chỉ nhiễm các loại sâu bệnh chủ yếu: sâu đục thân, bệnh đốm nâu. Năng suất đạt 56,3 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa ngoài mô hình gieo sạ cùng vụ trên đất nhiễm phèn mặn tại địa phương 8,3 tạ/ha; lãi 12,7 triệu đồng/ha, cao hơn giống lúa đối chứng là 4,7 triệu đồng/ha.

 

Theo ông Ngô Tấn Long – Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát thì toàn huyện có hàng trăm ha ruộng nhiễm phèn mặn, tập trung tại các xã ven biển. Thời gian qua bà con nông dân thường gieo sạ rất dày (trên 200 kg giống/ha) nên lúa rất dày, nhiều nhánh vô hiệu, tốn kém nhiều phân, thuốc BVTV do sâu bệnh nhiều. Mô hình trồng lúa trên ruộng nhiễm phèn, mặn đã làm cho các hộ tham gia và những hộ tham quan học tập cùng lãnh đạo địa phương rất phấn khởi, tin tưởng. Đó là cơ sở thực tiễn và động lực để nhân rộng mô hình trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và trồng lúa bền vững trên những diện tích ruộng nhiễm phèn mặn tại địa phương trong thời gian tới.

 

Lương Ngọc Tấn
Hội Nông dân huyện Phù Cát, Bình Định