Trong những hộ chăn nuôi nói trên thì hộ anh Mà Văn Nguyên là người đến với nghề chăn nuôi vịt muộn nhất. Với diện tích trên 3 ha, trước đây chỉ canh tác cao su, nguồn thu chính là mủ nên thu nhập bấp bênh theo biến động của giá mủ cao su. Năm 2017, khi biết đến mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc trên cạn, anh Nguyên đã đầu tư kinh phí và bén duyên với nghề này.  

Đến nay sau hơn 10 lứa nuôi, anh đã tích lũy được kinh nghiệm sản xuất, với quy mô thường xuyên 4.000 - 5.000 con vịt đã tạo nguồn thu ổn định ở mức cao cho gia đình. Hình thức nuôi vịt trên cạn tận dụng diện tích dưới tán cao su theo cách nuôi gối đầu, cứ 20 ngày nhập một lứa 1.000-1.500 con, đến 50 ngày tuổi xuất chuồng với trọng lượng bình quân 3,2 kg/con vịt.Trong thời gian nuôi, mỗi con vịt tiêu tốn 7,5-8 kg thức ăn, tương ứng 67.500- 72.000 đồng/con, chi phí thuốc thú y và điện nước hết 3.000- 4.000 đồng/con, tổng chi phí đầu tư khoảng 95- 100 triệu đồng/1.000 con. Nếu tính theo giá bán thời điểm trung tuần tháng 4/2018 là 45.000 đồng/kg thì mỗi lứa vịt thu lại lợi nhuận không dưới 40 triệu đồng/1.000 con. Nếu nuôi gối đầu liên tục, cứ 20 ngày một lứa thì một năm sẽ nuôi được 12 lứa vịt trở lên, lợi nhuận không dưới 240 triệu đồng. Bên cạnh đó còn tạo ra một lượng lớn chất thải làm phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho đất canh tác, qua đó gián tiếp tăng chất lượng mủ và giá trị kinh tế của vườn cây cao su.

Mô hình nuôi vịt dưới tán cao su tại hộ anh Mà Văn Nguyên

Theo anh Nguyên cho biết, giống vịt Grimaud có nguồn gốc từ Pháp. Đây là giống vịt siêu nạc, thịt dày và thơm ngon, lớn nhanh, thời gian nuôi gần 2 tháng là xuất chuồng, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trên cạn ở địa phương. Kỹ thuật nuôi khá đơn giản, dễ thực hiện, chi phí đầu tư chuồng trại thấp (khoảng 7 triệu đồng để nuôi 2.000 con vịt và sử dụng được trên 5 năm). Điều đặc biệt là sau mỗi lứa nuôi, anh luôn luân chuyển địa điểm chuồng nuôi để đảm bảo thời gian sát trùng, để trống chuồng trại, từ đó làm giảm tối thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, giảm chi phí thú y.

Để nuôi vịt Grimaud thành công, ngoài chất lượng con giống tốt, người chăn nuôi cần chú ý đến điều kiện chuồng trại đảm bảo thoáng mát, dễ thoát nước, vệ sinh tiêu độc khử trùng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng bệnh bằng vắc xin. Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi thành công, vịt con khi đưa về cần được úm kỹ trong chuồng nuôi với nhiệt độ úm tuần đầu tiên từ 33-340C theo nguyên tắc giảm dần. Tùy điều kiện thời tiết có thể đưa vịt xuống nền sau 10-15 ngày úm. Sử dụng vắc-xin viêm gan cho uống hoặc tiêm giai đoạn 1-3 ngày tuổi; tiêm vắc xin dịch tả và cúm gia cầm H5N1 lần lượt ở ngày tuổi thứ 10 và 15. Ngoài ra còn phải định kỳ sử dụng kháng sinh để phòng các bệnh như tiêu chảy, hô hấp, bại liệt; bổ sung hỗn hợp vitamin và thuốc bổ nhằm tăng sức đề kháng, ngăn ngừa tình trạng bại liệt hay rụng lông.

Mô hình nuôi vịt siêu nạc Grimaud trên cạn được đánh giá là thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập và phát triển bền vững. Mô hình chăn nuôi này có thể nhân rộng nhưng khi đầu tư nên chủ động nguồn vốn, địa điểm, kỹ thuật và đặc biệt là tìm hiểu kỹ thị trường, tránh nuôi ồ ạt không có quy hoạch và định hướng dẫn đến nguy cơ bất ổn về giá và phát sinh dịch bệnh.

Nguyễn Xuân Trường

Trung tâm KN tỉnh Bình Phước