Trước thực trạng trên, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai và thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đức Phú, huyện Tánh Linh với quy mô diện tích là 50 ha, lượng giống 50 kg/ha, canh tác lúa theo phương pháp cấy mạ khay bằng máy cấy động cơ. Mục tiêu chung của dự án là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và lựa chọn áp dụng cơ giới hóa phù hợp trong sản xuất lúa trên cánh đồng lớn để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

  Họp triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn năm 2018 tại UBND thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh

Kết quả mô hình đạt được rất khả quan, cụ thể: Ruộng trong mô hình có năng suất 5,2 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng ngoài mô hình 0,3 tấn/ha (tăng hơn 6,2%). Chứng tỏ hiệu ứng cấy thưa từ mô hình đã phát huy tác dụng: lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ, số hạt chắc trên bông cao, giảm áp lực sâu bệnh hại, góp phần tăng năng suất đáng kể so với sản xuất đại trà. Lợi nhuận mô hình đạt 7.382.000 đồng/ha, tăng hơn sản xuất đại trà 62,8%.

Đối với mô hình cơ giới hóa cấy lúa bằng máy cấy bộ 2 bánh đã đem lại hiệu quả thiết thực, lợi nhuận tính cho 01 ha là 1.748.889 đồng. Với giá mua máy là 65.000.000 đồng/máy, nếu máy hoạt động mỗi vụ 15 ngày thì sau một năm (khoảng 2 vụ) sẽ thu hồi 100% vốn đầu tư.

Đối với mô hình Nhóm liên kết, mỗi thành viên tham gia nhóm lợi nhuận thu được = Lợi nhuận mô hình sản xuất lúa + Lợi nhuận từ máy cấy (nếu làm dịch vụ)   = 1.748,000 + 7.382.000 = 9.076.000 đồng/ha.

Với những kết quả đạt được đã đem lại niềm tin cho người nông dân. Nhằm nhân rộng mô hình trong cộng đồng, ngày 10/5/2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp bàn triển khai và xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa năm 2018. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận chủ trì cho biết: Mô hình sẽ thực hiện tại HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh vào tháng 9/2018 (vụ mùa), với qui mô 50 ha, lượng gieo 50 kg/ha; cấy bằng máy cấy động cơ; nhà nước hỗ trợ 100 % giống và 30 % vật tư; máy cấy lúa hỗ trợ tối đa 60.000.000 đồng/01 máy cấy; bình phun giống, phân bón hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/01 bình (hỗ trợ 10 bình). Ngoài ra, còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan thực tế, đặc biệt là xây dựng nhóm liên kết và quy chế liên kết để đưa nhóm vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

                                                              Hồ Công Bình

                                                      Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận