Chính sách giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đặc biệt là bà con tại các vùng khó khăn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện sinh kế và giúp bà con biết cách sản xuất đúng kỹ thuật. Năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện CưMgar triển khai mô hình canh tác lúa lai nhị ưu 838” với quy mô 01 ha do 05 hộ tham gia thực hiện.

Để hướng dẫn cho bà con cách trồng lúa nước năng suất cao, Trạm Khuyến nông nhận định cần phải thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất của bà con bằng cách “cầm tay chỉ việc” trong từng khâu: cải tạo chuẩn bị đất, giữ nước, chăm sóc, bón phân, bảo quản, lựa chọn giống lúa năng suất cao và chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt để thay thế các loại giống hiện có của bà con.

Qua thực hiện mô hình cho thất giống nhị ưu 838 là giống lúa lai ba dòng thích ứng rộng, gieo cấy được cả hai vụ, thời gian sinh trưởng từ 115-120 ngày. Là giống có đặc điểm sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khỏe tập trung, chống chịu sâu, bệnh hại khá, đặc biệt không bị nhiễm bệnh bạc lá, đạo ôn và một số bệnh khác mà ở các giống lúa thuần thường hay mắc phải. Độ đồng đều cao, cứng cây chống đổ tốt. Năng suất mô hình đạt 7,5 tạ/1000m2, cao hơn các giống lúa cũ mà bà con nơi đây vẫn canh tác.

Từ thành công của mô hình trình diễn đã mở ra hướng canh tác mới cho bà con dân tộc thiểu số vùng khó khăn trong những vụ tiếp theo. Tuy nhiên để có thể nhân rộng mô hình, chính quyền địa phương cần tiếp tục khuyến khích bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn học tập, sử dụng giống lúa có năng suất cao trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp lương thực, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Thăm mô hình trình diễn giống lúa lai nhị ưu 838 tại buôn Aring – xã Cuôr Đăng

Cao Phúc

Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk