Tham gia dự án là 300 hộ nông dân, trong đó có 2 ha mô hình trình diễn với sự tham gia của 30 hộ nông dân được hỗ trợ về giống, phân, thuốc BVTV; 18 ha còn lại chỉ hỗ trợ giống lúa.
Mô hình được triển khai từ nguồn vốn tài trợ của Dự án Làng Hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc (KVPVP) tại tỉnh Bình Định với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương đang sinh sống trên diện tích đất mới được rà phá bom mìn. Đồng thời nỗ lực góp phần nâng cao năng lực và phát triển sinh kế của người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng từ bom mìn và vật liệu nổ.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình triển khai mô hình. Để tăng trách nhiệm trong việc thực hiện mô hình, kinh phí mua giống lúa, thuê máy móc và công lao động người dân tự đối ứng 100%. Lâu nay người dân sản xuất lúa chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên việc sử dụng phân bón, nhận biết sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ sâu bệnh còn hạn chế. Do đó khi tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tâm lý bà con lo lắng, e ngại. Tuy nhiên được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi mô hình, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển nên cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đồng thời, nhờ áp dụng tốt biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM nên các đối tượng sâu, bệnh gây hại được phòng trừ kịp thời, hiệu quả, ít hoặc không ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng.
Sau 115 ngày sinh trưởng, với việc bón phân cân đối và hợp lý đã giúp cây lúa giống VNR20 hấp thu dinh dưỡng tối đa, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, khả năng chống đổ ngã tốt, chống chịu sâu bệnh khá, phù hợp trên nhiều chân đất khác nhau, số hạt chắc/bông đạt trung bình 111 hạt, cao hơn đối chứng 7 hạt, năng suất thực thu đạt 76,59 tạ/ha, cao hơn đối chứng 3,88 tạ/ha, tăng hơn 5,3%. Qua đó lợi nhuận đem lại 16.540.200 đồng/ha, cao hơn đối chứng 7.746.400 đồng/ha, tăng hơn 88%. Lúa VNR20 cho hạt gạo trắng trong, không bạc bụng, cơm mềm, vị đậm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cung ứng cho thị trường lúa, gạo trên địa bàn.
    |
 |
Các hộ dân tham quan mô hình |
Từ kết quả mô hình đạt được cho thấy năng suất tăng hơn 5,3% và lợi nhuận tăng hơn 88% so với sản xuất lúa trước đây tại địa phương. Bên cạnh đó, qua việc trình diễn mô hình đã giúp nông dân nâng cao trình độ nhận biết sâu bệnh hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm tồn dư hóa chất trong nông sản, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng.
Đây là mô hình có khả năng nhân rộng cao, vì vậy các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương cần có kế hoạch mở rộng, phát triển diện tích thâm canh cây lúa ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân./.
Thành Nguyên
Trung tâm Khuyến nông Bình Định