Mô hình có diện tích 2 ha do 20 hộ dân ở huyện Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa thực hiện. Các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% vật tư và con giống, riêng mô hình tại phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa chỉ hỗ trợ 70% về con giống và vật tư.

Với mật độ thả nuôi 3 con/m2, sau gần 6 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống 96%, trọng lượng cá đạt trung bình 0,55 kg/con. Năng suất đạt được 15,8 tấn/ha. Giá bán cá thuộc mô hình là 30.000đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được là 162 triệu đồng/ha. (chưa tính công chăm sóc).

Ông Hoàng Văn Tẻn ở thôn Đăk Tân, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa là nông dân làm mô hình rất phấn khởi về kết quả mà gia đình ông đạt được.

Ông Tẻn chia sẻ: “Những năm trước gia đình tôi chỉ nuôi cá trắm cỏ và những loại cá truyền thống để cải thiện bữa ăn gia đình, không biết kỹ thuật nuôi nên cá chậm lớn lại hao hụt lại cao. Năm nay nhờ làm mô hình, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật nên cá lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp. Mô hình đạt kết qủa rất tốt. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nuôi cá và sẽ hướng dẫn kỹ thuật từ những kinh nghiệm của mình cho bà con trong thôn”.

Ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn 1B, xã Quảng Sơn cũng cho biết: “Thông qua mô hình, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá rô phi. Giống cá rô phi đơn tính Đường nghiệp dễ nuôi, kháng bệnh tốt, cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, cá lớn đều, thích nghi tốt với môi trường nuôi tại xã Quảng Sơn nên mô hình rất hiệu quả”.   

Kết quả của mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp là động lực để bà con nông dân quanh vùng thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích

Nguyễn Thị Khánh

Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông