Để có cơ sở cho người dân trên địa bàn được mắt thấy, tai nghe, bằng nguồn kinh phí của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông đã thành lập 27 mô hình điểm về tái canh cà phê bền vững trên địa bàn 6 huyện, thị xã với quy mô 0,5 ha/hộ. Đánh giá những kết quả đã đạt được việc thực hiện mô hình trong thời gian qua:

Về công tác chọn hộ: Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã rà soát và chọn các hộ có nhu cầu, tâm huyết và cam kết thực hiện đối ứng theo yêu cầu hợp đồng. Trước khi trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt danh sách các hộ tham gia mô hình thì Ban Quản lý Dự án VnSAT đã tiến hành rà soát, kiểm tra công tác chọn hộ. Kết quả đã chọn và phê duyệt được 27 hộ tham gia với 13,5 ha. Các vườn cà phê được chọn nằm trong vùng quy hoạch, bị nhiễm nhẹ bệnh vàng lá, có khoảng 50% số hộ đã phá bỏ cà phê năm 2017, còn lại là mới nhổ bỏ trong năm 2018.

Cấp phát cây giống cà phê cho các hộ dân tham gia mô hình

Về công tác chỉ đạo hướng dẫn: Cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ tham gia mô hình quy trình xử lý đất, đặc biệt là khâu cày đất, rà rễ và phơi đất. Trong tháng 4 các hộ đã xử lý đất xong và đang tiến hành đào hố để chuẩn bị bón lót trước khi trồng.

Về cấp phát vật tư: Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống và 50% vật tư các loại. Các loại vật tư cấp cho mô hình đảm bảo đúng số lượng, chủng loại, chất lượng và kịp tiến độ theo yêu cầu của hợp đồng, thời vụ. Đầu tháng 5 năm 2018, cán bộ kỹ thuật đã kiểm tra và cấp toàn bộ cây giống, hạt giống cho các hộ tham gia mô hình. Cây giống cà phê cấp phát cho dân là các dòng vô tính (TR4, TR9, TR11) được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn tạo, có ưu thế vượt trội như giữ nguyên đặc tính của cây mẹ, độ đồng đều và năng suất cao. Hiện nay, các hộ đang chăm sóc để cây giống ổn định và dự kiến sẽ trồng vào cuối tháng 5 đầu tháng 6.

Trên thực tế, người trồng cà phê đã thực hiện việc tái canh cà phê rất nhiều nhưng tỷ lệ thành công không cao, nguyên nhân là do trong đất tồn tại các loại nấm, sâu, chủ yếu gây hại trong giai đoạn cà phê đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản. Do đó để mô hình đạt hiệu quả cao thì cần phải thực hiện tốt các biện pháp sau:

Việc tái canh cà phê ngay chỉ thực hiện trên các vườn cà phê có tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá và thối rễ nhẹ (<10%). Sau khi nhổ bỏ, cần phải cày, đảo đất ít nhất là 2 lần và gom toàn bộ rễ cà phê đem đi đốt. Trong thời gian cày đảo đất lần cuối thì nên bón vôi với liều lượng 1 tấn/ha để xử lý sâu bệnh hại trong đất, đồng thời nâng độ pH đất. Bên cạnh đó nếu người dân chủ động được nguồn kinh phí thì nên luân canh với các loại cây ngắn ngày từ 1-2 vụ sẽ đảm bảo cho cây cà phê sinh trưởng trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Đào hố và bón lót trước khi trồng ít nhất 01 tháng. Kích thước hố phải đạt tối thiểu là 80x80x80cm, hố trồng tái canh cà phê không đào tại vị trí hố cà phê cũ. Đối với trồng tái canh yêu cầu lượng phân hữu cơ để bón lót cao hơn so với trồng mới, cụ thể 1 hố phải bón 18 kg phân hữu cơ hoai mục + 1 kg vôi + 0,5 kg lân hoặc10 kg phân hữu cơ hoai mục + 3 kg phân hữu cơ vi sinh + 1 kg vôi + 0,5 kg lân.

Đối với những vườn cà phê bị bệnh vàng lá và thối rễ từ 10 – 20 % thì luân canh 1 năm với các loại cây ngắn ngày; đối với các vườn bị bệnh vàng lá, thối rễ  >20% thì phải luân canh 2 năm.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông