Các hộ tham gia mô hình yêu cầu phải có ruộng bằng phẳng, có diện tích liền kề, thuận tiện cho tham quan và nằm trong vùng quy hoạch của địa phương; nông dân phải có tâm huyết, tự nguyện, ham học hỏi, thường xuyên theo dõi đồng ruộng và áp dụng đúng theo yêu cầu của mô hình.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí gồm: lúa giống, công cấy, phân bón thông minh và thuốc trừ sâu sinh học. Đầu vụ, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân quy trình thực hiện mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh”, cụ thể như sau:

- Giống lúa: Mô hình sử dụng giống lúa OM5451 và OM4900, lượng giống gieo mạ 60 kg/ha; cấy lúa bằng máy với khoảng cách: hàng cách hàng 30 cm, cây cách cây 18 cm.

- Quy trình bón phân: Đầu vụ, Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizers lấy mẫu đất phân tích kết quả cho thấy: pH từ 4,26-4,5, đạm tổng số 0,247-0,286 mg/100g đất, lân dễ tiêu 14,66-22,97 mg/100g đất, kali dễ tiêu 7,32-13,74 mg/100g đất. Ruộng có pH thấp, đất chua, hàm lượng đạm và lân ở mức trung bình, hàm lượng kali thấp. Công ty đưa ra công thức phân bón để sử dụng cho vụ Thu Đông 2019 là NPK 19-19-09.

Nông dân bón vùi phân Rynan® NPK 19-19-09 vào đất trước khi trục lần cuối với lượng phân 250 kg/ha nhằm giảm công lao động, hạn chế thất thoát phân bón, tăng khả năng sử dụng phân bón cho cây lúa và phân tan chậm giúp cung cấp dưỡng chất từ từ cho lúa trong suốt vụ. Giai đoạn 3 ngày sau cấy, bổ sung thêm 30 kg urê/ha giúp cây phục hồi sau khi cấy. Lượng phân đạm sử dụng ở ruộng giảm 18,1 kg/ha so với ngoài mô hình, tương đương với 39 kg Urê.

- Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Trong suốt vụ, có một số dịch hại xuất hiện như sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn, bọ gai, ruồi đục lá, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá và lem lép hạt,… Cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn nông dân quản lý dịch hại tổng hợp, không phun thuốc trừ sâu sớm, giúp tiết kiệm chi phí thuốc BVTV. Giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ, lúa bị nhiễm cháy bìa lá khá nặng do điều kiện thời tiết bất lợi (mưa kéo dài, gió lớn, ruộng thường xuyên bị ngập nước, ít nắng…), mặc dù nông dân đã có phòng ngừa sớm nhưng lúa vẫn bị lép, lửng, ảnh hưởng năng suất và chất lượng lúa. Mô hình không phun thuốc trừ sâu nên giúp bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng. Số lần phun thuốc bệnh 3 lần/vụ, thấp hơn ngoài mô hình 1 lần/vụ, chi phí thuốc BVTV thấp hơn 0,6 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm, HTX và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; nông dân nhiệt tình, mạnh dạn áp dụng giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, làm quen với sổ tay ghi chép, hạch toán được hiệu quả kinh tế; cán bộ kỹ thuật thăm đồng thường xuyên, cùng nông dân trao đổi, chia sẻ đưa ra các biện pháp xử lý đồng ruộng kịp thời nên mô hình đạt được những kết quả khả quan:

- Hiệu quả kinh tế: Năng suất đạt 6,2 tấn/ha. Giá thành sản xuất 3.699 đồng/kg, giá bán 6.400 đồng/kg. Tổng thu 39,6 triệu đồng, tổng chi 22,9 triệu đồng/ha, lợi nhuận 16,7 triệu đồng/ha.

- Hiệu quả về xã hội và môi trường: Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng vào thực tiễn những tiến bộ kỹ thuật như: Bón vùi phân bón thông minh đầu vụ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, an toàn cho con người và môi trường… Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn thực hiện sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa, quen việc ghi nhận được tình hình sinh trưởng của cây lúa và hạch toán được hiệu quả kinh tế; nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng và ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật như: sử dụng phân bón thông minh bón một lần cho cả vụ, giảm thất thoát và tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giúp tiết kiệm công lao động; phun thuốc theo 4 đúng bảo tồn nguồn thiên địch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai mô hình còn tồn tại những khó khăn như: Đất trũng nên mực nước trên ruộng luôn cao, khó điều tiết nước khi có mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến khả năng nở bụi của lúa; phân bón thông minh có giá bán cao (22.000 đồng/kg) nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh vụ Thu Đông 2019 tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp

Qua kết quả triển khai mô hình cho thấy: Sử dụng phân bón thông minh bón vùi 1 lần cho suốt vụ kết hợp áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu sớm góp phần hạn chế được sự thất thoát phân bón, giúp cây lúa phát triển ngay từ đầu vụ, bảo tồn thiên địch, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất. Tuy nhiên, giá phân bón thông minh còn cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng, nông dân còn e ngại khi sử dụng. Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizers cần nghiên cứu giải quyết vấn đề về giá. HTX cần có kế hoạch chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp hơn, đáp ứng theo nhu cầu của cây lúa. Khắc phục được những hạn chế như trên sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân.

                                                                                         Nguyễn Trí Tuệ

Trung tâm DVNN & Nước sạch nông thôn Đồng Tháp