Mô hình là hoạt động của dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi”. Khi tham gia mô hình, các hộ thực hiện được hỗ trợ không hoàn lại 50% giá giống tôm, 100% giống lúa, 30% thức ăn và phân bón.  

Ngày 12/12/2017, Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Lấp vò, UBND xã Mỹ An Hưng B tổ chức sơ kết mô hình. 

Tại buổi sơ kết, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Theo đó, sau 7 tháng thực hiện, năng suất tôm thu đạt 1.250 kg/ha. Với giá bán bình quân 180.000 đồng/kg (trọng lượng thu hoạch là 20 con/kg), sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được là 75 triệu/ha. Năng suất lúa thu hoạch đạt 3,5 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân trồng lúa khoảng 9 triệu đồng/ha. So với các hộ làm lúa trong vùng thì lợi nhuận của những hộ thực hiện mô hình cao hơn khoảng 2 triệu đồng/ha.

Thực tế cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất. Sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây, áp dụng qui trình canh tác 1 phải 5 giảm giúp chi phí sản xuất lúa giảm đi rõ rệt. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người dân phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70-80%). Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất.

Các đại biểu tham dự buổi sơ kết đều đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình canh tác tôm – lúa, thích ứng với điều kiện tự nhiên địa phương, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững.

Kết quả thực hiện thành công của mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh - lúa có sức thuyết phục cao giúp người nuôi nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao tính ổn định của nghề nuôi tôm càng xanh hiện nay.

Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ đẩy mạnh khuyến cáo nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh nhằm tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích đất.

Cẩm Hoa

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp