Ayun là một xã thuần nông thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Từ bao đời nay, đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, dựa vào nước trời để sản xuất. nên chỉ sản xuất được trong vụ mùa (01vụ/năm), vụ Đông Xuân phải bỏ hoang đất. Tập quán từ trước đến nay của bà con sản xuất lúa là chọc trỉa gieo lúa đón mưa, lúa giống tự để lại từ vụ trước nên bị thoái hóa, thời gian sinh trưởng kéo dài khoảng 06 tháng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh không được chú trọng nên lúa phát triển kém, trổ bông ít, năng suất cao nhất cũng chỉ khoảng 3-4 tạ/sào.

Năm 2018 công trình thủy lợi Plei Keo được khởi công xây dựng với năng lực tưới thiết kế khảng 500 ha (gồm 400 ha lúa nước và 100 ha rau màu các loại). Đến nay, công trình này đã cơ bản hoàn thành và cung cấp nước vào một số cánh đồng trên địa bàn xã Ayun.

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương vận động nhân dân chuyển đổi giống lúa nước, mở rộng phát triển diện tích lúa nước 02 vụ nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với thực tế tại địa phương; giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, ổn định nguồn lương thực tại chỗ cho người dân.

Vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê phối hợp với UBND xã Ayun vận động các hộ dân thực hiện mô hình chuyển đổi sang canh tác giống lúa nước 2 vụ tại các cánh đồng Vơng Chép, A Chông, Keo. Tổng diện tích thực hiện là 107,51 ha với 219 hộ tham gia, trong đó có 34 hộ nghèo.

Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống lúa mới Đài Thơm 8, là giống lúa có năng suất, chất lượng cao, dễ thích nghi, gạo ngon, hương thơm đặc trưng. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên trực tiếp xuống đồng "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn cho các hộ dân kỹ thuật canh tác lúa nước từ khâu làm đất, gieo sạ đến chăm sóc, thu hoạch.

Lần đầu tiên, cánh đồng xã Ayun không bị bỏ hoang đất trong vụ Đông Xuân

 

Sau hơn 3,5 tháng chăm sóc, đến nay các hộ đã thu hoạch, năng suất bình quân đạt 7.000 - 8.000 kg/ha. Với giá bán 6.000 đồng/kg (lúa tươi), trừ chi chí, tổng lợi nhuận thu được hơn 2,6 – 3,2 tỷ đồng/107,51ha.

Ông Đinh Yêp ở làng Keo, xã Ayun, một trong những hộ tham gia mô hình bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên tôi và bà con trong làng được trồng lúa trong vụ khô. Được Nhà nước hỗ trợ giống lúa, phân bón, thường xuyên có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên tôi thấy cũng dễ thực hiện. Đến nay ruộng lúa đã cho thu thu hoạch, năng suất cao, cơm ngon nên gia đình tôi rất mừng. Bắt đầu từ năm nay và những năm sau dân làng chúng tôi sẽ quyết tâm chuyển đổi diện tích lúa nước 1 vụ sang 2 vụ để từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, ổn định lương thực cho gia đình".

Người dân Ayun phấn khởi trước một vụ Đông Xuân bội thu

 

Kết quả bước đầu của mô hình góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất canh tác lúa truyền thống, lạc hậu sang sản xuất lúa 02 vụ/năm, hứa hẹn những vụ mùa màng bội thu trong tương lai, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây.

Diễm Thúy

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai