Nhằm giúp bà con nâng cao kiến thức trong sản xuất cam, đặc biệt là sản xuất theo hướng an toàn,  năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với quy mô 5 ha, tại 2 xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) và xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc).

Bước đầu mới triển khai, mô hình đã thu hút sự quan tâm của các hộ dân trong vùng. Với phương pháp xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình kỹ thuật trực tiếp tại vườn cây theo hướng cầm tay chỉ việc từ khâu làm đất, đào hố, bón phân, trồng và chăm sóc cam sau trồng đã tác động đến nhận thức của các hộ nông dân. Họ tự tin hơn trong việc thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhận biết được tình trạng phát triển của cây, các đối tượng sâu bệnh gây hại và đưa ra được các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp, đúng thời điểm giúp giảm chi phí, giảm công lao động, đảm bảo môi trường cũng như sức khỏe con người, đồng thời cây cam sinh trưởng phát triển tốt hơn so với sản xuất đại trà.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành tạo tán trên cây cam

Để cây cam tiếp tục phát triển tốt và giúp bà con có thêm kiến thức chăm sóc cam sau trồng đạt hiệu quả cao, vừa qua Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn tại vườn cây, hướng dẫn nhận biết các đợt lộc để tác động các biện pháp kỹ thuật như bón phân, tỉa cành, tạo tán; hướng dẫn nhận biết các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lộc non để đưa ra các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt là cách tỉa cành tạo tán, giúp ánh sáng và không khí tới lá để tăng cường quang hợp và giúp cây có kích thước hợp lý từ đó có thể dễ dàng kiểm soát và quản lý vườn cây, nâng cao sức sống của cây, tăng cường sức chống chịu với các điều kiện bất thuận cũng như duy trì một cân bằng hữu hiệu giữa sinh trưởng thân lá và ra hoa quả.Về phương pháp tỉa cành tạo tán cụ thể như sau:

- Cành cấp 1: Mỗi cây nên chọn 3 cành khoẻ, thẳng, ít cong queo, vị trí tương xứng nhau, chia đều các phía, tạo 1 góc 600 so với mặt phẳng ngang. Các cành khác cắt tỉa ngắn dần để ức chế sinh trưởng. Thông thường cắt ngắn sau 3 - 4 năm mới cắt bỏ cành từ phần gốc, tránh đốn đau 1 lần ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây.

- Cành cấp 2: Cành cấp 2 mọc thẳng là những cành tốt, khoảng cách giữa các cành cấp 2 trên cùng cành cấp 1 từ 40 - 60cm, phân bố đều về các bên, không cùng hướng với nhau và tạo với cành cấp 1một góc 10- 200 là tốt.

- Cành cấp 3: Cắt tỉa thành hình tam giác tạo tầng quả hình lập thể.

- Cành cấp 4: Cắt tỉa chùm cành xanh là cành tạo quả và cành dinh dưỡng. Cắt ngắn cành phát dục để điều tiết sinh trưởng của cây, chủ động tỉa để số cành quả tuỳ theo mức độ để quả hoặc đổi mới cành. Sau khi cắt tỉa, chùm cành xanh có dạng lượn sống và mọc chụm.

Lưu ý: Cải tạo tán cây không nên cắt quá đau dễ làm cho cây yếu đi (chột cây). Phải làm dần dần trong vài năm. Nếu cây quá yếu, không nên cải tạo. Nếu cây sinh trưởng quá tốt, cần giảm bón phân cho cây mới có thể cải tạo tốt.

Đây là một nội dung hết sức cần thiết cho người sản xuất, bởi thực tế người sản xuất cam, bưởi hiện nay tuy đã thâm canh và áp dụng được một số nội dung về kỹ thuật nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của thị trường hàng hóa, đặc biệt là sản xuất theo hướng an toàn.

Mô hình thành công sẽ là điểm trình diễn để các hộ dân trong vùng đến tham quan học tập và áp dụng vào thực tế sản xuất của hộ gia đình, từ đó sẽ thúc đẩy việc nhân rộng mô hình.

 Đặng Thị Thuận

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh