Việc xây dựng mô hình nuôi vịt Grimaud thương phẩm theo hướng an toàn sinh học là cần thiết, nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Từ đó nhân rộng mô hình cho nông hộ trong vùng, cung cấp nguồn sản phẩm có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.

Vịt Grimaud là giống vịt tăng trọng nhanh, có thời gian nuôi ngắn, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp và tỷ lệ thịt cao. Tuy nhiên đây là giống vật nuôi mới nên người dân còn  ngần ngại, chưa mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, giá cả thức ăn chăn nuôi ngày một tăng cao trong khi giá sản phẩm lại không ổn định; tình hình thời tiết, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến khá thất thường. Đây là những khó khăn trong việc triển khai mô hình.

Giống vịt Grimaud tăng trọng nhanh, có thời gian nuôi ngắn, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 60% giá trị con giống, 30% giá trị thức ăn, vật tư; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và được cán bộ khuyến nông theo dõi sát sao mô hình để kịp thời tư vấn, xử lý nếu xảy ra dịch bệnh. Qua thời gian hơn 6 tháng thực hiện mô hình, từ 3/5- 30/8/2019, đàn vịt của mô hình được tiêm vắc xin phòng bệnh 5 lần. Trong quá trình nuôi, chủ hộ thường xuyên được hướng dẫn kỹ thuật tiêu độc, khử trùng, góp phần bảo vệ môi trường khu vực nuôi, hạn chế lây lan mầm bệnh. Kết quả, có 4/10 hộ có tỷ lệ vịt nuôi sống đạt từ 93 – 99%; có 6/10 không đạt theo kế hoạch của mô hình. Tổng hao hụt trong suốt thời gian nuôi là 193/1.000 con, chiếm 19,3%. Trong đó hao hụt giai đoạn úm là 35 con; nguyên nhân do vận chuyển, tiêm phòng… Từ tuần 4 đến nay, hao hụt 158 con; nguyên nhân do vịt bị ngộ độc phèn, bệnh bại huyết kết hợp E.coli do điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt.

Vịt khi mới nhận nuôi có trọng lượng trung bình 50 gram/con. Đến cuối kỳ, vịt có trọng lượng trung bình 3.290 gram/con. Trong giai đoạn từ tuần 1- 4, trọng lượng của vịt tăng trọng đều nhau; qua giai đoạn từ 5 – 8 tuần tuổi, mới có sự chênh lệch giữa các hộ. Cụ thể có 5/10 hộ đạt trọng lượng theo kế hoạch mô hình đề ra (3,5 kg/con), 5/10 hộ chưa đạt. Nguyên nhân là do khi hết thức ăn được hỗ trợ, các hộ tự đầu tư thức ăn, nhiều hộ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vịt phát triển, từ đó trọng lượng vịt có sự chênh lệch giữa các hộ. Lợi nhuận trung bình của các hộ tham gia mô hình đạt trên 1,5 triệu đồng. Hộ có lợi nhuận cao nhất đạt trên 4 triệu đồng. 

Từ kết quả đạt được có thể khẳng định, mô hình này phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Thông qua mô hình đã trang bị  cho nông dân kiến thức chăn nuôi cơ bản và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi; tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu đúng, đủ về kỹ thuật nuôi dưỡng và quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi vịt thương phẩm.

Diễm Trang

Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Thuận- Kiên Giang