Mô hình tái canh cà phê trong điều kiện không luân canh mà sau khi nhổ vườn cà phê cũ thì trồng ngay bằng giống cà phê Robusta ghép dòng TR4, dòng TS1, quy mô 0,1 ha/mô hình. Mô hình đầu tư thực hiện liên tục trong ba năm áp dụng theo quy trình kỹ thuật tái canh của Cục Trồng trọt ban hành, đặc biệt chú trọng khâu xử lý đất phòng trừ tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê.

Trong quá trình thực hiện, nhờ áp dụng chặt chẽ các khâu xử lý đất, phòng trừ tuyến trùng và nấm hại rễ cũng như các biện pháp canh tác đảm bảo kỹ thuật nên ngay sau năm đầu tiên đã khắc phục được tình trạng cây chết cũng như hiện tượng vàng lá. Sang năm thứ 2 sau trồng, các biện pháp xử lý sâu bệnh hại trong đất và các biện pháp chăm sóc cây trồng vẫn được thực hiện một cách chặt chẽ. Các mô hình đã được duy trì khá tốt với tỷ lệ cây chết thấp, trên 4 mô hình tỷ lệ cây bị chết là 9%, tỷ lệ cây vàng lá 5,68%. Đa số cây chết trong thời gian mùa khô hạn kéo dài, không đủ nước tưới.

Đến năm thứ 3 sau trồng, các mô hình tiếp tục áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng trừ tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê. Cuối năm 2015, khi cây đạt 3 năm tuổi, qua kiểm tra, đành giá cho thấy các mô hình cà phê đều sinh trưởng phát triển khá tốt, số cây vàng lá thấp (chiếm 2,27%), một số tuyến trùng và nấm hại rễ giảm và thấp hơn so đối chứng.

Hiện các mô hình đã cho thu bói năm đầu tiên với năng suất bình quân đạt 2,89 tấn/ha, cá biệt mô hình tại xã Đinh Trang Thượng và Hòa Bắc năng suất đạt trên 3,5 tấn/ha. Các hộ tham gia thực hiện mô hình đều rất vui mừng với kết quả đạt được. Anh K’Việc - nông hộ thực hiện mô hình tại xã Đinh Trang Thượng cho biết: “Trước kia 0,1ha cà phê ở đây chỉ thu được không quá 10 bao tươi, vậy mà sau khi trồng tái canh ngay năm đầu tiên đã thu được gấp 2,5 lần so với trước kia. Hiện nay, các mô hình cây vẫn đang sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến năng suất năm nay đạt bình quân 3 tấn/ha”.

Như vậy, nhờ áp dụng kỹ thuật tái canh, áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê và chú trọng khâu xử lý đất mà các mô hình bước đầu đã tái canh đạt hiệu quả. Từ kết quả ban đầu của mô hình Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu về hiệu quả của mô hình tái canh cà phê. Ngoài ra, lực lượng khuyến nông viên cơ sở các địa phương có mô hình trình diễn cũng chủ động giới thiệu cho nông dân đến tham quan học hỏi, đồng thời tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Trên cơ sở thành công các mô hình tái canh cà phê, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã rút ra được một số kinh nghiệm và tuyên truyền cho bà con nông dân trên địa bàn huyện áp dụng trong công tác tái canh như sau:

- Khi xác định muốn tái canh cà phê, bà con có thể tái canh theo hình thức cuốn chiếu từng khoảnh diện tích 0,1 - 0,3ha và phải nhổ bỏ cây cũ ngay sau khi thu hoạch xong để có thời gian cày ải, phơi đất, thu gom toàn bộ gốc rễ ra khỏi vườn.

- Tiến hành lấy mẫu đất phân tích mật số tuyến trùng và nấm hại rễ để xác định thời gian luân canh.

- Chọn cây giống sạch bệnh, mua cây giống ở cơ sở sản xuất có đầy đủ nguồn gốc, lý lịch giống, cây sạch bệnh, không có biểu hiện nhiễm tuyến trùng và nấm hại rễ. Chăm sóc, bón phân cân đối, đầy đủ, chú trọng bổ sung phân hữu cơ để tăng hàm lượng mùn trong đất, ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh vật có chứa các vi sinh vật Azotobacter chroococcum (vi sinh vật chức năng, vi sinh vật cố định nitơ), Burkholderia vietnamiensis (phân giải phốt phát khó tan thành dễ tan), Bacillus subtilis (ức chế vi sinh vật gây bệnh vùng rễ). Kết hợp sử dụng phân bón qua gốc và phân bón qua lá (nhất là khi tái canh trồng bằng cây cà phê ghép) để tăng cường bổ sung thêm các loại phân trung vi lượng.

- Áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng trừ tuyến trùng và nấm hại rễ duy trì qua các năm. Luân phiên sử dụng các gốc thuốc khác nhau để tăng hiệu quả phòng trừ và hạn chế hiện tượng kháng thuốc, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Các loại thuốc phòng trừ tuyến trùng: Abamectin (Tervigo 020SC), Benfuracarb (Oncol 5GR),  Carbosulfan (Afudan 3GR, Marshal 5GR, Vifu - super 5 GR), Clinoptilolite (Map Logic 90WP), Ethoprophos   (Vimoca 10GR), Fipronil (Anrogen 10.8GR, Suphu 10GR), Paecilomyces (Palila 500 WP), Rotenone + Saponin (Ritenon 150BR, Sitto-nin 15BR,)... Các loại thuốc phòng trừ nấm hại rễ Norshied 58WP, Anvil 5SC, Ridomil gold 68WG,... Các loại thuốc hóa học có thể xử lý vào đầu mùa mưa sau đó ít nhất một tháng sử dụng kết hợp các chế phẩm chứa nấm đối kháng như Trichoderma để tăng hiệu quả phòng trừ và bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất.

Ka Nhung

Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, Lâm Đồng