Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã triển khai mô hình trồng thâm canh cây lạc đỏ địa phương theo hướng VietGAP, áp dụng biện pháp che phủ ni lông tại xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) với diện tích 10 ha. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân đã trồng lạc đảm bảo mật độ, khoảng cách, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, giúp cây trồng phát triển tốt, sản lượng đạt gần 21 tạ/ha, tăng gấp 2 lần so với phương pháp trồng truyền thống. Với biện pháp che phủ ni lông dưới gốc đã giữ độ ẩm cho đất, hạn chế sâu bệnh hại và cỏ dại, từ đó giảm công lao động, giảm vật tư nông nghiệp, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng. Với giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, trồng lạc theo cách này người dân sẽ thu được hơn 55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 20 triệu đồng so với canh tác truyền thống. Sản phẩm lạc đỏ Bắc Hà đã được xác nhận chuỗi sản xuất an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tham quan mô hình trồng thâm canh cây lạc đỏ theo hướng VietGAP tại xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với huyện Bắc Hà mở rộng diện tích lên 120 ha ở 3 xã: Hoàng Thu Phố, Nậm Mòn, Bản Phố. Hiện Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp, Phòng nông nghiệp huyện và chính quyền 3 xã Nậm Mòn, Bản Phố và Hoàng Thu Phố khảo sát, lựa chọn địa điểm, vận động hộ dân tham gia mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Việc phát triển, mở rộng diện tích cây lạc đỏ ở huyện Bắc Hà nhằm nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP lạc đỏ, nâng cao hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xóa nghèo bền vững./.

Sản phẩm lạc đỏ đã được công nhận là sản phẩm OCOP  của xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà

Tráng Xuân Cường

TT Văn hóa- Thể thao và Truyền thông  huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai